Thanh toán

Bạn học được gì sau ngày cưới của mình?

Đăng bởi Marry Doe - 06/11/2016   |   Lượt xem: 565

Quá trình lên ý tưởng và thực hiện kế hoạch cưới của chính mình có thể khiến bạn căng thẳng, gặp nhiều áp lực nhưng nếu để ý một chút bạn sẽ nhận ra được những bài học giá trị và ý nghĩa rất nhiều.

Làm gì cũng cần có kế hoạch

Sau khi chàng ngỏ lời cầu hôn thì cả hai không thể tiến hành lễ cưới ngay vào ngày mai được. Để có được một đám cưới như ý muốn, bạn và chàng cần bàn luận, đưa ra ngân sách, ý tưởng, chọn lọc và cân nhắc rất nhiều. Ngoài ra, thời gian chuẩn bị càng sớm càng tốt để bạn có thể kiểm tra vài lần cuối và có kế hoạch thay thế kịp thời nếu có gì sai sót. 

Tầm quan trọng của lời phúc đáp thiệp cưới


(Ảnh: Getty Images)
 

Ở Việt Nam lời phúc đáp (RSVP) cho thiệp cưới vẫn còn mới mẻ, thế nhưng không thể phủ nhận sự cần thiết của một lời phản hồi về việc có mặt hay không trong tiệc cưới vì nó sẽ giúp ích rất nhiều cho cô dâu và chú rể. Nếu bạn đang đau đầu tính toán khi đặt bàn ghế, số lượng thực phẩm, đồ uống sao cho đủ với lượng người tham dự mà vẫn tiết kiệm chi phí thì không còn gì tốt hơn nếu tất cả vị khách đều phản hồi lời mời cho ngày cưới của bạn.Do đó, khi bạn nhận được thiệp báo hỷ của đồng nghiệp hay người họ hàng thân thiết, hãy xem xét và sớm thông báo cho họ về về khả năng tham dự của mình nhé.

Sự giúp đỡ nhanh chóng

Sau tiệc cưới và tuần trăng mật, cô dâu sẽ trở thành người “sở hữu” nhiều món đồ thuộc diện chỉ sử dụng một lần trong đời. Bạn định làm gì với chiếc váy cưới và những phụ kiện khác sau ngày thành hôn? Sẽ thật phí hoài nếu bỏ chúng vào kho, vậy tại sao bạn không chia sẻ và giúp đỡ những cô nàng sắp lên xe hoa bằng những gì mình đang có. Không chỉ là vật chất mà chính những kinh nghiệm trước và trong khi lên kế hoạch, thông tin về các dịch vụ cưới sẽ vô cùng có ích cho họ. Còn gì tuyệt vời hơn sau ngày trọng đại của mình, chính bạn sẽ lại là người chia sẻ niềm vui và giúp những cô dâu tương lai có được niềm hạnh phúc trọn vẹn hơn nào.

Hãy quyết định dứt khoát
 


(Ảnh: Internet)
 

Quay trở lại việc lên danh sách khách mời, bạn sẽ phải luôn đau đầu trong việc lựa chọn nên mời hay không mời ai. Hãy suy nghĩ rằng đây là sự kiện trọng đại, bạn không muốn có những con người đáng ghét hay chẳng thân quen gì đến chung vui với mình chứ? Đừng vì cả nể mà khiến ngày cưới của mình mất vui với những vị khách không mong chờ, bạn chỉ nên gửi thiệp hồng cho những ai mà sự hiện diện của họ thật sự có ý nghĩa với niềm hạnh phúc của hai bạn.

Giải quyết tình huống khéo léo

Trước khi đến được ngày lễ thành hôn, bạn và chàng còn phải vượt qua khá nhiều khó khăn trong "khâu" chuẩn bị. Đôi khi, bạn sẽ gặp căng thẳng bởi những bất đồng giữa bản thân và gia đình trong việc thực hiện kế hoạch. Tình huống lúc này yêu cầu bạn phải thật khéo léo trong suy nghĩ và hành xử để giải quyết mọi chuyện tốt nhất, đừng vì nóng giận, mất bình tĩnh mà khiến mọi chuyện thêm căng thẳng, phức tạp. Bạn nên lắng nghe lời khuyên của người lớn để có được những kinh nghiệm hữu ích, còn với ý kiến trái chiều bạn có thể giải thích từ tốn về quan điểm riêng, đồng thời bày tỏ mong muốn rằng đây là ngày hạnh phúc của đời mình và bạn muốn tự bản thân có quyền quyết định riêng.

Điều bạn không thích thì đừng làm với người khác
 


(Ảnh: Getty Images)
 

Bạn sẽ cảm nhận điều này rõ ràng nhất trong ngày cưới của mình. Nếu bạn từng đi dự lễ cưới của bạn bè trễ chừng nửa tiếng và cho đó là điều bình thường thì đừng bực bội gì khi bạn phải đứng đợi khách mời... nửa tiếng trước cổng hoa trong ngày cưới của mình nhé. Ở vị trí cô dâu, bạn sẽ biết rõ những điều mà người dự tiệc có thể khiến bạn khó chịu như lời nói, cách hành xử, và thậm chí là món quà mừng. Và đó chính là kinh nghiệm cho bạn để không trở thành vị khách mời "đáng ghét trong những lễ cưới mà mình tham dự.

Có thể mỗi chúng ta sẽ nhận ra được những thông điệp khác nhau sau ngày hạnh phúc này, hãy cùng chia sẻ chúng tại đây để những ai đã, đang và sẽ làm cô dâu có thêm nhiều "bài học" thú vị cho mình nhé!

Bình luận

Viết Đánh Giá
L
Học được rất nhiều đấy như là cách lên kế hoạch, sắp xếp hợp lý, cách chi tiêu tiết kiệm, phân bổ tài chính....