Thanh toán

Câu chuyện trăng mật

Đăng bởi Marry Doe - 25/07/2016   |   Lượt xem: 513

Khi giữa vợ chồng có tình yêu thực sự, đôi mắt người vợ trẻ sẽ ngời ngời như chứa một trời hạnh phúc. Còn nếu không, nó sẽ u sầm, tối tăm bởi bao nhiêu tủi cực, thiệt thòi không nói nên lời.

Trăng không... mật

Thu Uyên đã nghe lời mẹ chia tay với người mình yêu là một thầy giáo nghèo “không có tương lai” để lấy người do gia đình giới thiệu, là một chủ tiệm bán xe gắn máy. Cô được khen là con gái có hiếu, khôn ngoan. Sau tiệc cưới sang trọng ở một nhà hàng - khách sạn 5 sao, họ đi hưởng tuần trăng mật ở Đà Lạt...

Bà mẹ là người buôn bán nhỏ, khấp khởi mừng khi con gái được bước vào “tầng lớp trên” và “hưởng tuần trăng mật” - một khái niệm sang trọng, cao vời chẳng khác nào được lên thiên đường. Bà chờ đợi ngày con gái về thăm bà, chắc sẽ càng xinh tươi, rạng ngời như một bông hoa với bao nhiêu quà cáp của xứ sở sương mù nổi tiếng...

Thế nhưng khi cô con gái trở về, trái với sự chờ đợi, hy vọng của người mẹ, ánh mắt cô tối u, không dám nhìn vào mắt mẹ. Câu hỏi của người mẹ như một giọt nước tràn ly: “Đi chơi có vui không con?”. Lập tức cô đổ vào lòng mẹ khóc òa...

Cô không thể kể vì sợ mẹ càng đau khổ hơn. Vì ngay trong những ngày đầu, ở một khách sạn sang trọng, cô bộc phát triệu chứng “ốm nghén” với những trận nôn ói đến thấu mật xanh, lẽ ra người chồng phải mừng vì đó là tín hiệu vui nhưng đằng này anh ta đâm ra nghi ngờ vợ.

Dù rằng cũng “ăn cơm trước kẻng” nhưng anh ta nghi ngờ chỉ một vài lần chăn gối không dễ gì mà có bầu được, đó chắc chắn là “tác phẩm” của người tình cũ, người mà cô gái yêu tha thiết trước đây...

Thế là thay vì chăm sóc, chia sẻ với vợ, anh ta bày tỏ sự hoài nghi và chất vấn vợ để rồi những ngày trăng mật ấy chẳng khác nào địa ngục với đôi vợ chồng mới. Thu Uyên chỉ muốn mau trở về với mẹ và sợ hãi cuộc sống chung đôi sắp tới, dù giọt máu cô đang mang thật sự là của chồng.

Khi trăng mật trở thành mốt

Giờ khi các bạn trẻ đưa thiệp hồng mời bạn bè, họ thường nhận được một câu hỏi: “Có tính đi hưởng tuần trăng mật ở đâu không?”. Nhiều người đã lúng túng khi trả lời không vì trăng mật đã trở thành một cái mốt.

Như vợ chồng Kim Hoa - Đức Nghĩa là nhân viên trong một cơ quan Nhà nước, lương vừa đủ sống. Lo được cái đám cưới đàng hoàng, khách mời lên đến vài trăm người ở một nhà hàng kha khá, rồi quay phim chụp hình… đã là một nỗ lực của cha mẹ đôi bên đều đã về hưu. Đám cưới xong, “tính sổ” họ cũng bị thâm đến hơn chục triệu, nếu chịu khó dành dụm cũng phải mất cả năm mới thanh toán xong món nợ cưới ấy.

Nhưng như kế hoạch đã định, họ cũng phải “lên núi xuống biển”, tức là lên Đà Lạt rồi ghé Nha Trang để hưởng tuần trăng mật như ai. Thế là phải vay thêm chục triệu nữa làm lộ phí.

Chuyến đi rất vui với đôi vợ chồng trẻ nhưng nó lập tức lụi tàn khi trở về thành phố với món nợ phải trả góp hàng tháng khá lớn, đè nặng mọi niềm vui ngày thường khi mọi thứ phải hà tiện tối đa, ngay cả những nhu cầu tối thiểu.

Sống thiếu thốn, hạnh phúc cũng trở nên eo hẹp và họ thường cãi nhau, đổ thừa cho nhau vì cái “tội” khởi xướng đi hưởng tuần trăng mật để ra nông nỗi nợ nần, để rồi bây giờ thấy “mật” sao quá đắng...

Trăng mật tại chỗ

Minh Hòa và Toàn là đôi bạn trẻ nhập cư, học xong đại học, có năng lực nên xin được việc làm ở thành phố và có thu nhập cao. Minh Hòa làm cho một công ty nước ngoài lương trên 5 triệu mỗi tháng, đi nước ngoài thường xuyên. Toàn là kỹ sư cơ khí, sau một thời gian làm thuê anh mở xưởng làm riêng và đứng vững được trong cơ chế thị trường.

Họ yêu nhau đã hơn 3 năm nhưng chưa thể cưới vì còn ở nhà thuê. Tình yêu chín muồi, không thể chờ thêm được nữa, hai người tổ chức một cái đám cưới giản dị để gia đình đôi bên và bạn bè, đồng nghiệp chung vui.

Sau đám cưới, Toàn phải trở lại xưởng ngay dù anh đủ tiền đưa vợ đi hưởng tuần trăng mật, chỉ có điều anh về sớm hơn thường lệ để ghé siêu thị mua thêm thức ăn, trái cây về nhà cùng vợ vào bếp. Họ cùng nấu nướng, âu yếm, đùa giỡn và tận hưởng hạnh phúc đang có.

Nhờ biết tiết kiệm để đầu tư, chỉ vài năm sau họ mở rộng được xưởng và sinh con rồi thành lập công ty... Vươn lên làm giàu trên một nền tảng vững chắc nên hạnh phúc của họ ngày càng nồng đượm, ngọt ngào.

“Trăng mật” không hẳn là những chuyến đi đến những nơi thơ mộng, sang trọng, tốn kém hay ở tận nước ngoài. Cái chính là chất lượng sống, là tình yêu dạt dào những cặp vợ chồng mới cưới dành cho nhau, để rồi chúng sẽ trở thành những thời khắc đẹp đẽ nhất, khó quên trong đời người, luôn tỏa sáng êm dịu trong quá trình chung sống.

 

Bình luận

Viết Đánh Giá
Q
Vì sau khi trăng mật xong các bạn sẽ trở thành vỡ mật luôn rồi. Tiết kiệm cho cuộc sống mới trước đã, rồi sau đó khi đã ổn định rồi thì các bạn có thể đi du lịch như trăng mật muộn sẽ hạnh phúc hơn.
Q
Giờ hay có xu hướng cưới xong phải đi trăng mật. Nếu hai vợ chồng có điều kiện kinh tế thì nên đi, còn vợ chồng nào không có thì tốt nhất không nên đua theo làm gì cả.
H
nếu đi trang mật mà phải mang nợ thì còn gì vui, đừng chỉ theo xu hướng như thế