Thanh toán

Câu chuyện vui buồn về ảnh cưới

Đăng bởi Marry Doe - 08/11/2015   |   Lượt xem: 1254

Đám cưới quan trọng không? Quá đi chứ! Dù bây giờ có thể đã nhan nhản những lời tâm sự của các cô gái trẻ rằng "sống với nhau là chính, một bữa tiệc để vài trăm người ăn uống nhậu nhẹt có gì mà phải kẻ cả", nhưng không, thẳm sâu trong lòng cô gái nào cũng là niềm ao ước "Em đẹp nhất đêm nay". Và để lưu dấu ngày đẹp nhất ấy, từ lâu "Album Cưới" đã có mặt - thậm chí là kiểu gì cũng phải có mặt.

Tôi ủng hộ nhiệt tình việc mỗi người trân trọng khoảnh khắc trong đời, nhất là khi lên xe hoa, đối với phụ nữ nó trọng đại như thế. Gia đình tôi không có có album, mẹ tôi tự cho rằng bà là người có trách nhiệm cất giữ những bức ảnh cũ, trong một chiếc hộp, những tấm hình quay ngược được thời gian về lại ngày tôi còn bé ti hin, thậm chí về lại cả thời mẹ còn con gái đội nón lá, mặc quần lụa áo tay bồng đi học. Vì điều kiện gia đình và công việc, mẹ tôi chẳng bao giờ buồn khi đám cưới không rộn rã tươm tất bằng bạn bằng bè, chỉ buồn vì chẳng có được tấm hình nào ngày mẹ và bố cưới nhau. Nó như một góc khiếm khuyết kí ức khiến mẹ tôi cứ mỗi khi nhắc về lại xuýt xoa nuối tiếc và chạnh lòng.

Thời của mẹ khác, tất nhiên. Ảnh cưới chỉ là nhờ một bác phó nháy hay một người bạn làm thợ ảnh chụp cho hai vợ chồng một vài bức, rửa phim xong có người nào cẩn thận lật mặt sau tấm hình viết dăm ba câu bằng bút mực "Chúc mừng hạnh phúc hai em" là vui sướng lắm. Bây giờ công nghệ hiện đại quá rồi, chúng ta yêu nhau, có thể bên nhau cả ngày, đi chơi đi ăn là "tách tách" luôn vài kiểu selfie, nhưng ai lại đưa những hình ảnh nhí nhố đó vào album Cưới. Đã bao năm mới có một (số ít) lần, phải lộng lẫy, phải khiến người ta đỏ mắt ghen tị mới thôi. 

Thế nên dịch vụ ảnh cưới bây giờ muôn màu muôn vẻ lắm rồi. Chụp ở studio, chụp trong thành phố, chụp xa thành phố, chụp ở nước ngoài. Chụp áo dài, chụp soiree, chụp áo đôi, chụp nude...đủ cả. Trên thực tế cũng nhiều chuyện oái oăm. 

Mùa này chắc cũng chẳng ai còn xa lạ nữa cảnh quanh Bờ Hồ mỗi ngày có đến vài chục cặp đôi áo dài áo cưới, cách nhau chỉ chừng 5 - 7m, thay nhau tạo dáng; các phó nháy đeo lỉnh kỉnh quanh người 2, 3 ống kính, chỉnh stylist bằng miệng mệt nghỉ: "cô dâu xích qua trái một chút, chú rể đặt tay lên eo cô dâu đi nào, cả hai nhìn vào nhau cười nhé, ấy, cô dâu cười mím chi e thẹn thôi, nhìn vào mắt anh ấy đi, tình tứ vào chút nữa..." Ban đầu tôi thích thú lắm. Ở một đất nước bề dày văn hóa ý nhị như nước mình, thế hệ cao tuổi hãy còn nguyên cảm xúc về thời nắm tay đỏ mặt, bỗng một hôm người ta được thấy vài đôi trẻ xinh đẹp như hoa ôm nhau giữa bao nhiêu người, cái hình ảnh sao mà dễ thương, dễ làm tưởng tượng về con đường hạnh phúc sắp tới trong cuộc đời của họ; với người ngoài thì đây quả tình là món ăn tinh thần vui quá, đẹp quá! Nhưng món ăn nào cũng thế, nhiều và thường xuyên, thì bắt đầu bội thực.

Chưa kể không phải chuyến đi chụp nào của các cặp đôi cũng suôn sẻ. Đa phần do sự "bất hợp tác" của các chú rể trước sự nhiệt tình quá đà của các cô vợ sắp cưới. Trường hợp này tôi thấy thương lắm, cô bạn tôi khóc lóc mất mấy ngày vì khi nhận album về, dù đã photoshop lên xuống vẫn không thể làm cho cái mặt quạu quọ của chú rể tươi tắn hơn, nhưng tôi cũng hiểu cho anh chàng khi vận bộ đồ vest nóng nực giữa trưa, lếch thếch hết chỗ này sang chỗ kia tạo đủ các dáng cho thỏa ý cô nàng: nào cõng nào bế. Quá tội. Đành rằng tôi hay ai cũng chỉ là cái nhìn người ngoài, chẳng dễ gì liên quan đến người trong cuộc, nhưng tôi tiếc vì những góc đẹp đẽ của thành phố, những chiếc áo dài thướt tha, những bộ đầm rực rỡ, những cảnh trai gái bên nhau hạnh phúc đang phơi ra trước mặt chẳng còn khiến ai cảm thấy rung động nữa. 

 

Một số lượng (ngày càng nhiều) cặp đôi khác có tư tưởng sống sôi nổi hơn, thoáng đãng hơn, họ chọn cách "phượt" xa khỏi thành phố để chụp với những địa danh nổi tiếng, lựa phong cách ăn mặc không giống ai, họ lên concept thật độc để không đụng hàng. Họ làm tôi ghen tị thực sự. Bởi chắc chắn là công sức và tiền của bỏ ra cho một bộ ảnh như thế khiến nó đáng ra có thể mở được triển lãm chứ không chỉ đơn thuần để làm kỉ niệm yêu đương gối đầu giường hay nơi góc tủ. Thế mà lại cũng có trường hợp lầm lẫn (cố tình nhầm lẫn !?) giữa ảnh cưới và "tác phẩm nghệ thuật gây sốc", nên cứ cố đua bám theo sự "độc lạ" mà mạnh tay chi tiêu. Tôi chưa biết có giải thưởng hay chứng nhận gì cho một pô ảnh như thế không, nhưng những cánh đồng hoa cải bị giẫm nát bét, tam giác mạch bị ngắt phá sau mỗi đợt "càn quét" của tân lang tân nương, những bức ảnh nude riêng tư phát tán đầy trên mạng, chính ra đã là gây sốc lắm rồi. 

Tôi khẳng định lại thêm một lần nữa rằng, tôi ủng hộ ảnh cưới. Nó giống như lưu bút, như nhật ký, như bưu thiếp...ra đời để ghi lại kỉ niệm, để nhắc nhớ quãng đường đi qua của mỗi ai, nó "nhớ" giùm chúng ta quá khứ mà nếu chẳng may vì cuộc sống thác lũ đã làm quên đi mất. Nhưng ảnh cưới lại không làm nên cả đám cưới, đám cưới chẳng làm nên hạnh phúc lứa đôi, trong khi có hạnh phúc nào hơn cả bằng hình ảnh của người này được ngời sáng, khắc sâu trong mắt trong tim của người kia. Mỗi cặp đôi có cho riêng nhau một câu chuyện kể, và kết hôn chỉ là trang thứ nhất của cuốn sách;  bức ảnh cưới là lời tựa đầu - không thiếu được nhưng không thể nào dập khuôn, không thể nào khuếch đại, và không lẽ nào phơi bày hết được nội dung của câu chuyện mà chẳng cần lật giở, nghiền ngẫm từng trang.

(st)

Bình luận

Viết Đánh Giá
L
Mình luôn quan sát và học hỏi cách sống của những bậc tiền bối. Ảnh cưới của mình cũng được cất giữ rất cẩn trọng
L
Người cao tuổi lúc nào cũng thâm thúy và sống rất kín đáo