Thanh toán

Chuyện rể tây gian nan học tiếng Việt

Đăng bởi Marry Doe - 21/02/2016   |   Lượt xem: 638

Nhờ có tình yêu mà con người có thể vượt qua hết tất cả...

Chị Thu Ngân, một kiểm toán viên ở London, chia sẻ về việc anh chồng Simon (người Anh) chật vật học tiếng Việt. Anh chị đã kết hôn được hơn 5 năm, hiện sống ở ngoại ô London.

Mặc dù có nhiều bạn châu Á, anh chưa gặp người Việt Nam nào trước khi gặp tôi. Anh chưa từng thử qua đồ ăn Việt và cũng không biết một từ tiếng Việt nào. Sau khi chúng tôi quen nhau, tôi dạy anh một chút tiếng mình, đặc biệt là những câu nịnh vợ như là "Vợ ơi, anh yêu em nhiều lắm. Em rất xinh đẹp".

Anh cũng cố gắng nhiều. Anh mua đủ các loại sách, từ sách học tiếng Việt dành riêng cho người nước ngoài, tới sách học đọc học viết cho học sinh tiểu học ở Việt Nam, rồi tới sách học tiếng Việt cùng hình ảnh. Nhưng mà bận việc này việc kia anh học được vài câu từ căn bản rồi cũng không tiến bộ được nhiều.

Ngôi thứ ở Việt Nam thì nhiều không kể xiết. Trong tiếng Anh chỉ có "I, you". Trong tiếng Việt thì nào là ba, mẹ, bà, anh, chị, em, cô, chú, bác, dì, dượng. Nhà tôi thì đông người, khi về Việt Nam, cố gắng lắm anh mới nhớ nổi vài ngôi thứ nhưng vẫn lẫn lộn tùm lum.

Anh thường xuyên nói: "Con chào em" và "Em chào bác".

Được cái khi anh nói câu "Con chào bà, con yêu bà", các bà thích lắm, cứ cười khanh khách khen: "Tiếng Việt thằng này giỏi quá".

Hồi tôi còn đang mang thai bé, anh rất hay thích nói chuyện với con. Một hôm với vốn tiếng Việt ít ỏi của mình, chắc chỉ khoảng 20 từ, anh quyết định dạy tiếng Việt cho con mình. Anh thoa thoa cái bụng nhấp nhô sau lớp áo của tôi rồi nói:

- Today, I will teach you Vietnamese. (Hôm nay, ba sẽ dạy con tiếng Việt.)

Tôi nhếch môi cười khẩy không tin tưởng vốn tiếng Việt của anh. Anh tiếp lời:

- Do you know what the first thing you should say when you first come out? (Con biết điều con cần nói đầu tiên khi con sinh ra là gì không?)

Tôi tò mò. Anh nói bằng giọng ngọng nghịu:

- You should say: "Con cám ơn em". (Con nên nói: "Con cám ơn em")

Lần này anh biết mình sai nên sửa lại ngay:

- Ah, no, no. "Con cám ơn mẹ". (À nhầm, "Con cám ơn mẹ").

Buổi tối, sau khi chúng tôi tắm cho con xong, tôi lấy bàn chải ra chuẩn bị đánh răng cho con. Anh lại trổ tài dạy con tiếng Việt:

- You should say: "Con muốn brush teeth". (Con nên nói là "Con muốn brush teeth")

Tôi bảo anh:

- "Brush teeth" is "đánh răng" in Vietnamese. ("Brush teeth" là "đánh răng" trong tiếng Việt).

Anh nhắc lại lời tôi cho con:

- You should say "Con muốn đánh rắm". (Con nên nói là "Con muốn đánh rắm")

Tôi cười phá lên:

- No, it is not "đánh rắm". It is "đánh răng". (Không, không phải là "đánh rắm", mà là "đánh răng")

Anh thắc mắc:

- What? The two words you said sound exactly the same to me. (Hả? Hai từ em vừa nói nghe không khác gì nhau)

Tôi nhấn mạnh:

- "Đánh răng" is brush teeth and "Đánh rắm" is fart. ("Đánh răng" là "brush teeth", "đánh rắm" là "fart").

Anh cứ thế luyện một hồi mà vẫn không phân biệt được cái nào với cái nào. Anh bảo tôi:

- I think you should write a post about words that sound exactly the same to Westerners. (Anh thấy em nên viết một bài về những từ tiếng Việt mà người nước ngoài nghe thấy giống hệt nhau).

Một lúc sau con ngủ rồi. Vợ chồng tôi thường hay đánh răng cùng nhau trước khi đi ngủ. Anh lại có dịp thực tập từ mới:

- Em ơi, đi đánh rắm!

Từ nay, đánh răng hay đánh rắm, tôi chắc phải tuỳ tình huống mà suy rồi.

Sáng tác từ tiếng Anh mới

Cứ thỉnh thoảng có hứng tôi lại dạy anh chút tiếng Việt. Đợt này đến chủ đề nước hoa quả, tôi dõng dạc:

- "Nước cam" is orange juice. "Nước táo" is apple juice. You just need to add a fruit after "nước", then it means the juice of that fruit.

(Nước cam là "orange juice". Nước táo là "apple juice". Muốn nước quả nào anh cứ nói quả đấy sau từ "nước" là được.)

Anh lẩm bẩm tập nói "nước cam", "nước táo". Sau một hồi, anh quay ra bảo tôi:

- You often address me "anh". My name is Simon. Then by that logic, should "nước Anh" be "Simon juice" in English?

(Em hay gọi anh là 'anh'. Tên anh là Simon. Vậy theo lý luận, 'nước Anh' mà dịch ra tiếng Anh sẽ là 'Simon juice' à?)

Lý luận của anh tóm tắt lại là thế này đây:

Nước = juice

Anh = Simon

==> Nước Anh = Simon juice.

Nghe đến đây tôi chỉ biết bật cười


---------------


Nguồn : st

Bình luận

Viết Đánh Giá
G
Bạn mình lấy chồng Hàn học tiếng Hàn cũng vậy. Thật ngưỡng mộ những tình yêu vượt ngoài biên giới sắc tộc, ngôn ngữ điều quan trọng nhất của cuộc sống là giao tiếp.
C
Thật đáng yêu nhỉ? Lấy vợ Việt Nam thì phải cố gắng học tiếng Việt thôi. Giờ ra đường gặp nhiều người Tây nói tiếng Việt giỏi lắm
B
Chàng rể tây đáng yêu và đáng ngưỡng mộ