Thanh toán

Gia vị cho tổ ấm

Đăng bởi Marry Doe - 06/11/2016   |   Lượt xem: 587

Tổ chức cho cuộc sống gia đình có thể ví như nấu một bữa ăn hay tổ chức một bữa tiệc. Cũng chừng ấy nguyên vật liệu như gạo, thịt, cá, rau… nhưng vào tay người nội trợ thông minh, khéo léo, biết cách dùng gia vị thì cả nhà sẽ được thưởng thức một bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng, lắm khi là những “tuyệt tác” ẩm thực khiến người ăn… nhớ đời.

Còn với người vụng về chỉ biết chặt to kho mặn. Nhiều người đàn ông đã phải tháo chạy vì không chịu đựng được những món ăn mặn chát, chua lè hoặc vô vị, nhạt nhẽo, đơn điệu cứ lặp đi lặp lại.

Nhiều cặp vợ chồng trẻ, lắm khi đã có con, dù không mâu thuẫn họ vẫn thấy tổ ấm của mình ngày một lạnh dần, trước mặn nồng sao giờ nhạt thếch. Bỏ nhau ư? Chẳng có lý do gì cụ thể, rõ ràng để đưa nhau ra tòa. Chồng vẫn làm tròn trách nhiệm, đưa rước con, giúp vợ việc nhà, lương lĩnh về “nộp” cho vợ đầy đủ. Vợ vẫn chu đáo, thủy chung, gia đình bên chồng chẳng có điều gì để phiền trách…

Một khi cuộc sống vợ chồng trở nên nhạt, phái nam nhiều người thoát ra bằng cách bù khú với bạn bè, đi chơi với đồng nghiệp, anh em… họ thấy vui hơn ở nhà hay đi với vợ con. Và phổ biến nhất là các ông đi “ăn phở”, đôi khi cũng chẳng được là “phở” mà chỉ là “mì ăn liền” cho… lạ miệng.

Phái nữ bây giờ cũng vậy, đi làm, quen biết rộng, về nhà đụng phải một ông chồng… nguội ngắt, lạnh tanh họ liền đi tìm hơi ấm với những người thân hay bạn bè để tỉ tê, chia sẻ. Nhiều chị lén chồng đi nhảy đầm, đi hát karaoke cho đỡ buồn. Nếu những “cuộc vui” đó chưa lấp được những khoảng trống trong cuộc sống thì họ cần có một người đàn ông ấm áp hơn để nương tựa phần hồn lẫn thỏa mãn nhu cầu ân ái.

Tôi đã có lần được nhờ biên tập và nhuận sắc cho cuốn tự truyện của một nữ doanh nhân được người ngoài xem là mẫu phụ nữ thành đạt mọi mặt: chị xinh đẹp, quyến rũ, giàu có, gia đình hạnh phúc với 2 đứa con kháu khỉnh và chồng là một vị tiến sĩ, cũng là một doanh nhân rất giàu, kinh doanh xuyên quốc gia… Ấy thế mà có lẽ vì không tương tác được với chồng về vài phương diện nào đó, chị đã ngoại tình suốt 20 năm nay, du hí cùng người tình đến những miền đất “thiên đường” của nhiều cường quốc, mà người chồng không hề hay biết!

Thế mới biết dù có lắm bằng cấp, nhiều tiền bạc cũng không “mua” nổi gia vị cho một cuộc sống lứa đôi. Có những cặp vợ chồng không còn thích ăn chung, ngủ chung hoặc không còn cười đùa với nhau được nữa!

Hồi còn đi học tôi có cô bạn cùng xóm tên Kim, ba cô là công chức bậc trung, mẹ ở nhà nội trợ và nấu mạch nha để bán kiếm thêm tiền chợ, nhà khá đông con nên họ khó mà dư dả. Ấy thế mà nhà Kim lúc nào cũng đầy tiếng cười vì những thành viên trong nhà có lối sống lạc quan, vui vẻ và rất khôi hài.

Có hôm đang ăn ba Kim chợt bảo: “Đứa nào lấy cho ba sợi chỉ!”. Ai cũng ngơ ngác vì đang ăn thì lấy chỉ để làm gì? Người cha điềm tĩnh và hóm hỉnh giải thích: “Vì cá kho mặn quá ba sợ… thụt lưỡi nên cột nó lại!”. Cả nhà phá ra cười và Kim,“tác giả” của nồi cá kho bẽn lẽn: “Con cho muối ít thôi mà, sao…”. Người cha tiếp: “Ba có nói gì đâu, có hôm con bỏ rất nhiều muối vào canh mà nó vẫn nhạt đó thôi”. Cậu em kế của Kim gầy còm vì kén ăn, bà mẹ thường ép cậu ăn. Có lần cậu không phản đối mà bảo: “Mẹ ơi, bao tử của con có… đáy mà!”.

Tôi được nghe kể thời chống Pháp, những cán bộ cách mạng thường phải ở nhờ nhà dân để hoạt động, họ rất được người dân yêu quý chính là nhờ biết áp dụng phương pháp “3 cùng” là “cùng ở, cùng ăn, cùng làm”. Không ít gia đình sống ở thành phố hiện nay nhiều khi có cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng gia đình vẫn rời rạc, lỏng lẻo vì thiếu chữ “cùng” này. Nhiều ông bố có địa vị xã hội cao hay nhiều bà mẹ rất thành đạt nhưng không biết chơi với con. Tệ hơn, nhiều nhà mạnh ai nấy sống, không ăn cùng, việc ai nấy làm và tìm niềm vui riêng. Kiểu cha đi nhậu hay đi với bồ bịch của cha, mẹ tìm vui với bạn bè hay công việc của mẹ, con cái ôm máy tính, đàn đúm với bạn bè xấu hay muốn làm gì đó thì làm...

Thời buổi này, được như gia đình chị Tuyết khiến nhiều người bảo chị thật là “có phước”. Trong những dịp tiệc tùng với bạn bè thân, thấy chị đến có nghĩa là đâu đó cũng có các con của chị, dù đứa lớn đã đi làm, đứa đang là sinh viên, học sinh… Anh Minh, chồng chị, sẽ đến sau vì bận gì đó. Mùa hè cả nhà chị đi cắm trại, picnic cùng bạn bè cũng dẫn con đi như họ; mùa xuân thì cả nhà đi du xuân, dù vợ chồng chị điều hành một công ty gia đình đang ăn nên làm ra cũng rất bận rộn.

Nhóm bạn ấy có vợ chồng anh Bảo tới 3 cậu con trai, “ông tướng” nào cũng cao lớn. Ai cũng tội nghiệp cho “nàng hoa hậu” trong nhà là vợ anh, hẳn phải vất vả lắm. Nhưng tới nhà mới thấy, chị hô một tiếng là 3 cậu con trai từ ba căn phòng riêng ùa xuống giúp mẹ làm bếp, dọn dẹp đâu vào đó. Cuối tuần họ cùng nhau đi ăn, ba mẹ mời các con hay con “chiêu đãi” ba mẹ. Có phim hay họ cùng nhau xem phim ở “rạp” mini của gia đình rồi cùng nhau “bình loạn” về phim, đôi khi là một cuốn sách hay một bài báo. Nhiều lúc anh Bảo “hy sinh” ở nhà trông nhà để mẹ và các con du lịch đây đó… Các con họ vẫn còn nhớ những kỷ niệm đi câu cá, đi thả diều với ba hồi nhỏ.

Mỗi gia đình còn có thể ví như những sân chơi, ai nhiệt tình biết bày những cuộc vui chung tích cực thì sân chơi của họ trở nên vui vẻ, thú vị, phong phú, giúp những thành viên trong nhà càng yêu thương, gắn bó với nhau và nâng giá trị gia đình lên một tầm cao hơn.

st

Bình luận

Viết Đánh Giá
B
Mọi người nên học hỏi để hạnh phúc hơn nhé
B
Bài viết rất hay, kinh nghiệm cho các đôi còn trẻ nè
M
cần phải học hỏi nhiều, còn non quá, mong gia đình mình cũng được hạnh phúc mãi.