Thanh toán

Kinh nghiệm tổ chức đám cưới truyền thống

Đăng bởi Marry Doe - 24/12/2015   |   Lượt xem: 1031

Cùng với sự phát triển của xã hội, thì những nhu cầu về cuộc sống cũng đòi hỏi và nâng cao hơn. Chính vì thế, việc chạy theo những cái mới, cái hiện đại sẽ làm cho những thứ thuộc về truyền thống dễ dàng bị mất đi. Nhưng không vì thế mà người Việt bỏ đi nhiều nghi thức trong lễ cưới truyền thống, đó là những nét văn hóa vốn có lâu đời cần được gìn giữ.

Lễ cưới truyền thống bao gồm những nghi thức cơ bản sau: Lễ Chạm ngõ – Ăn hỏi – Xin dâu – Đón dâu – Tiệc cưới – Lại Mặt. Hôm nay mình chia sẽ những kinh nghiệm tổ chức đám cưới truyền thống, hi vọng phần nào đó giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Việt nói chung và giúp đươc cho cô dâu chú rể đang bỡ ngỡ nói riêng.

1. Lễ chạm ngõ (dạm ngõ)
Được coi là một nghi lễ trong phong tục hôn nhân của người Việt. Lễ này nhằm chính thức hóa quan hệ hôn nhân của hai gia đình. Chỉ đơn giản là buổi gặp gỡ giữa hai gia đình. Nhà trai xin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi quyết định tiến tới hôn nhân. Buổi lễ này, không cần vai trò hẹn trước của người mối, không cần lễ vật rườm rà.

Về bản chất, lễ này chỉ là một cách ứng xử văn hóa, thông qua đó hai gia đình biết cụ thể về nhau hơn(về gia cảnh, gia phong), từ đó dẫn tới quyết định tiếp tục hay không quan hệ hôn hai nhân của hai gia đình. Lễ vật của lễ dạm ngõ theo truyền thống rất đơn giản: chỉ có trầu cau.
2. Lễ ăn hỏi
Nghi thức ăn hỏi là sự thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ. Đây là giai đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân: cô gái trở thành “vợ sắp cưới” của chàng trai, và chàng trai sau khi mang lễ vật đến nhà gái là đã chính thức xin được nhận làm rể của nhà gái và tập gọi bố mẹ xưng con.

Trong ngày này, nhà trai mang lễ vật tới nhà gái. Tùy theo phong tục của mỗi vùng miền mà lễ vật ăn hỏi sẽ khác nhau. Nhà gái nhận lễ ăn hỏi tức là chính danh công nhận sự gả con gái cho nhà trai, và kể từ lễ ăn hỏi, đôi trai gái có thể được coi là đôi vợ chồng chưa cưới, chỉ còn chờ đến ngày cưới để công bố với hai họ.
Để tham gia vào lễ ăn hỏi, bên nhà trai cần phải có bố mẹ, hoặc cô dì làm ban đại diện để phát biểu và xin phép, bạn bè và một số thanh niên chưa vợ bưng đỡ tráp. Theo quan niệm của người miền Bắc thì số người bê tráp tương ứng với số tráp sẽ là lẻ, tức là 3,5,7,9 hoặc 11. Còn miền Nam thường là 6.
Đại diện bên nhà gái có bố mẹ, họ hàng và những nữ bê tráp tương ứng với số lễ tráp của nhà trai để đón lễ vật.


3. Lễ xin dâu
Lễ này thường rất đơn giản: Trước giờ đón dâu, nhà trai cử một hai người, thường là bà bác, bà cô hay bà chị của chú rể đưa một cơi trầu, một chai rượu đến xin dâu, báo trước giờ đoàn đón dâu sẽ đến, để cho nhà gái có sự chuẩn bị.
4. Lễ đón dâu
Sau khi lễ xin dâu được tiến hành xong, đoàn nhà trai sẽ sắp xếp một ban đại diện để vào chào hỏi và thưa chuyện với gia đình nhà gái. Để xin phép và đón dâu về nhà trai, chính thức nhận cô dâu làm con cháu trong nhà và bày tỏ lời cảm ơn đến công lao nuôi dưỡng của bố mẹ cô dâu.
Sau đó cô dâu chú rể sẽ ra chào hỏi và mời nước mọi người bên gia đình họ nhà gái. Khi đã đến giờ đẹp, thì chú rể sẽ đón cô dâu về.
5. Tiệc cưới
Thường thì nhà gái sẽ tổ chức đãi tiệc sớm trước khi nhà trai đến đón dâu để thông báo cũng như để cảm ơn mọi người cùng đến chung vui. Còn nhà trai có thể tổ chức trước hoặc sau khi đón dâu cũng được, nếu khách nhà trai quá đông thì có thể dàn trải đãi tiệc trong toàn bộ thời gian tổ chức đám cưới nhằm giảm bớt áp lực cũng như sắp xếp được bữa ăn cho khách mời. Còn khi hai gia đình cô dâu chú rể cùng tổ chức tiệc tại một nhà hàng hay cùng chung địa điểm nào đó thì có thể tiến hành lễ đón dâu trước sau đó mới tổ chức tiệc.
6. Lễ lại mặt
Trong người Việt luôn có một phong tục gìn giữ cho tới tận bây giờ, đó là lễ lại mặt. Sau đám cưới, chú rể sẽ đưa cô dâu về nhà mẹ đẻ đồng thời chuẩn bị một món đồ lễ nhỏ gọi là chào hỏi bố mẹ cô dâu. Thường thì thời gian lại mặt có thể là ngày hôm sau của lễ cưới hoặc 2 – 3 ngày sau đó.

Tuy nhiên, nếu hai nhà ở quá xa nhau thì không nhất thiết phải làm lễ này vì có thể gây tốn kém trong việc đi lại vất vả mà cô dâu chú rể cũng đã mệt mỏi trong việc chuẩn bị cho việc tổ chức đám cưới mấy ngày trước đó.

Trên đây là những nghi lễ cần thiết, quan trọng trong đám cưới truyền thống của người Việt ta. Tuy nhiên, do điều kiện cũng như hoàn cảnh của mỗi gia đình là khác nhau thì có thể gộp chung hoặc bỏ qua một nghi thức mà cả hai gia đình cho là không mấy cần thiết. “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn” chỉ cần cả cô dâu chú rể đồng lòng thì cũng không cần phải quá quan trọng đến các nghi thức.

(sưu tầm)

Bình luận

Viết Đánh Giá

Chưa có bình luận nào