Thanh toán

Những điều kiêng kỵ trong cưới hỏi của người Việt

Đăng bởi Marry Doe - 05/11/2016   |   Lượt xem: 13870

Đám cưới truyền thống nên có một số kiêng kỵ tuy hơi vô lý nhưng chuyện kiêng kỵ đôi khi nằm ở khía cạnh tâm lý, kiêng kỵ còn là một nét văn hóa trong truyền thống cưới xin của người Việt mình đó các bạn. Với mong muốn cuộc hôn nhân của đôi uyên ương thuận lợi, đời người có một lần, các bậc cha mẹ muốn kiêng kị kỹ lưỡng để cặp vợ chồng trẻ may mắn, hạnh phúc.

Khi mình chuẩn bị lấy chồng, ba mẹ còn lo lắng hơn cả mình nữa ngoài việc chuẩn bị cho đám cưới, ba mẹ còn dặn đi dặn lại rất nhiều điều. Lúc đó quả thật rất lơ mơ chẳng biết thứ gì cả, đã thế mọi người còn nhét vào đầu mình những điều phải kiêng kỵ trong ngày cưới. Nghe xong mà nhức hết cả đầu các bạn ạ. Chẳng biết có đúng hay không nhưng tâm lý ‘’ có thờ có thiêng, có kiêng có lành’’, vì ngày trọng đại của cuộc đời mình nên mình cũng chẳng dám làm trái chỉ sợ những điều không may mắn, không suôn sẻ sẽ đến trong cuộc sống hôn nhân sau này. Bao nhiêu năm lấy chồng cuộc sống hôn nhân cũng có lúc ‘’cơm không lành, canh không ngọt’’ nhưng nói chung khá suôn sẻ và hạnh phúc, chẳng biết có phải do ngày xưa nhát gan không dám phạm vào những điều kiêng kỵ ấy hay không nữa.

Tuy có những điều cũng khá vô lý nhưng vì với mục đích là mong muốn các con có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, thuận buồm xuôi gió nên theo mình các bạn hãy cứ tin đi, tin một cách có chọn lọc chứ đừng tin mù quáng nhé. Dưới đây là những điều mà mẹ mình ngày xưa dặn đi dặn lại mình không được phép phạm, bên cạnh đó cũng có một số kiêng kỵ khác mà mình tìm hiểu được, tùy vùng miền khác nhau nên những điều kiêng kỵ cũng khác nhau.

- Ví dụ Miền Bắc thì tráp lễ là tính số lẻ là 5,7,9 nhưng ở miền Trung mình là tính số chẵn 4,6,8 vì ý nghĩa mong các con luôn có cặp có đôi, lễ vật trầu cau, trái cây tất cả đều phải là số chẵn.

- Kiêng kỵ lấy người không hợp tuổi: điều này từ xưa đến giờ đã vậy, khi muốn kết hôn với ai đều phải nói với bố mẹ tuổi tác ngày sinh tháng đẻ của người đó để bố mẹ xem có hợp tuổi không. Nếu vợ chồng không hợp tuổi sẽ khó có được hạnh phúc, thậm chí còn phải chịu cảnh biệt ly, sầu não. Tuy nhiên để xem hợp tuổi hay không phải nghiên cứu chuyên sâu một chút, vấn đề này với mình khá rắc rối vì mình có đọc qua mà không hiểu. 

- Kiêng không cưới vào năm kim lâu của nữ, không cưới vào ngày xấu, tháng xấu. Theo các thầy tử vi, cưới hỏi vào ngày có sao Cô thần, Quả Tú, Không phòng, cô dâu sẽ cô quạnh, hiếm con…nên không được tổ chức cưới. Ngoài ra chọn được ngày đẹp đón dâu, còn phải chọn giờ Hoàng đạo để chú rể xuất phát. Tới nhà cô dâu cũng phải giờ Hoàng đạo mới được vào đón dâu. Đón xong về đến nhà chú rể lại phải chờ giờ Hoàng đạo mới được vào nhà.                                                                         

+  Kiêng tổ chức cưới vào tháng 7 âm lịch, theo mình biết thì trong đạo Phật, tháng 7 âm lịch là tháng cầu siêu cho các linh hồn nên có nhiều người kiêng không tổ chức cưới.

 + Kiêng tổ chức cưới trùng với ngày giỗ của bất kỳ người thân nào trong gia đình là điều vô cùng cấm kỵ. Điều này không chỉ phạm phép mà còn đem đến những điều không may đối với cặp vợ chồng mới. 

+ Theo lịch âm, cứ mỗi 4 năm sẽ có một năm nhuận tức tháng hai có thêm ngày 29. Nếu tổ chức cưới vào ngày nhuận, những năm kỷ niệm ngày cưới tiếp theo sẽ bị sai lệch về ngày và do đó làm mất đi ý nghĩa . Chính vì vậy, nếu không muốn phải đợi đến 4 năm để được kỷ niệm ngày cưới một lần bạn nên tránh tổ chức cưới vào ngày nhuận.

+ Kiêng không cưới vào ''ngày cùng tháng tận của năm'', ý nghĩa ngày xưa khi ông cha đặt ra không biết là gì nhưng mà mình nghĩ cũng rất hợp lý vì ngày này sắp tết phải chuẩn bị đón tết rất bận rộn, mọi thứ đều rất đắt đỏ nên khá là bất tiện khi cưới vào ngày này.

- Mình nhớ hồi con bạn mình lấy chồng, cách ngày cưới còn có 3 ngày nữa thì ba chồng nó mất đột ngột nên đám cưới phải hoãn lại. Ông bà mình kiêng đám cưới khi nhà có tangTheo quan niệm dân gian, con cái phải để tang cha mẹ 3 năm, cháu để tang ông bà một năm.  

- Kiêng chuẩn bị bàn thờ gia tiên sơ sài: Bàn thờ tổ tiên chính là thể hiện sự chu đáo của gia đình mỗi nhà, đa số các bậc phụ huynh đều lo liệu chu đáo, để tới giờ đón dâu, cô dâu chú rể sẽ cùng bố mẹ hai bên cùng thắp hương trên bàn thờ báo cáo với tổ tiên. Ngày cưới tùy điều kiện mà bày biện bàn thờ gia tiên, nhưng đều kiêng bày bàn thờ sơ sài. Lau dọn sạch sẽ bàn thờ, bày biện những vật phẩm đẹp mắt, đầy đủ mâm cỗ cúng gia tiên, các vật phẩm tối thiểu như gà luộc, xôi, rượu, hoa quả, vàng mã… Hôn lễ chính phải cử hành tại bàn thờ tổ tiên có đủ hương đăng hoa quả.

Ở miền Trung khi nhà trai đến phải có người làm mai đi đầu. Lễ vật bao gồm: Trái cây, bánh kẹo, trầu cau và cặp đèn trùng với kích thước chân đèn trên bàn thờ.

- Không mời cưới khi chưa tổ chức lễ ăn hỏi: Đây là điều kiêng kỵ dành cho nhà gái. Thông thường nhà trai sẽ ấn định ngày cưới dựa trên cơ sở thỏa thuận, đồng ý của nhà gái. Ngày ăn hỏi, hai bên gia đình sẽ ấn định một lần cuối về ngày cưới. Trước lễ ăn hỏi, nhà trai có thể mời cưới họ hàng, bạn bè xa gần nhưng nhà gái chỉ được mời sau lễ ăn hỏi, nếu không sẽ bị chê là “vô duyên, chưa ai hỏi mà đã cưới”.

- Kiêng không được đeo nhẫn cưới trước khi hôn lễ diễn ra

- Cô dâu không được xuất hiện trước khi chú rể vào đón: Vào ngày đón dâu, cô dâu không được cho gia đình nhà trai thấy mặt trước chú rể vì để được coi trọng sau lễ cưới và không bị mất duyên, tân nương sẽ phải ngồi trong phòng, đóng kín cửa và không được ra ngoài cho tới khi chú rể bước vào, tặng hoa cưới và đón cô dâu ra chào họ hàng.

-  Kiêng cô dâu khóc hoặc ngoái lại nhà mẹ đẻ:  Khi chú rể đã hoàn thành nghi lễ, đón cô dâu theo chồng về nhà trai, cô dâu phải đi thẳng về phía trước mà không được quay lại nhìn hay có thái độ quyến luyến, khóc lóc không muốn chia tay gia đình nhà mẹ đẻ. 

 - Không để mẹ đẻ đưa con gái về nhà chồng: Thường thì chỉ có bố cô dâu và những người họ hàng thân cận, các vị cao niên trưởng bối mới được đưa cô dâu về nhà chồng. Một lý giải khá thú vị cho phong tục này là sợ con dâu và mẹ đẻ sẽ tạo nên thế lực lấn át mẹ chồng. Tuy nhiên ngày nay phong tục này nhiều gia đình cũng không còn kiêng nữa, khi con gái lấy chồng xa mẹ đẻ cũng được nhà chồng mời đến tham dự luôn.

- Không để cô dâu có bầu đi vào nhà từ cửa chính: Cô dâu đang mang bầu thì khi về nhà chồng không được danh chính ngôn thuận đi vào từ cửa chính mà phải đi vòng ra cửa sau để vào. Trường hợp nhà không có cửa hậu, cô dâu sẽ phải bước qua một chiếc chậu bồ kết nướng với than hồng, hàm ý xua đi điều xui xẻo. Một số nơi giải thích rằng cô dâu có bầu mà đi về nhà chồng bằng cửa trước sẽ làm cho nhà trai sau này không ăn nên làm ra. 

- Đối với phong tục ở miền Bắc thì Mẹ chồng kiêng chạm mặt con dâu khi đoàn rước dâu vừa về tới nhà nhưng ở miền Trung mình thì mẹ chồng phải đi cùng với đoàn rước dâu đi rước con dâu về. Nếu mẹ chồng không đi rước được thì phải có lý do, nhờ dì thay thế vì quan niệm ''dì như mẹ''. Ở miền Trung khi con dâu về đến nhà thì mẹ chồng nắm tay dẫn con dâu vào buồng, nếu cô dâu nào không được mẹ chồng dẫn vào có thể hiểu là không được mẹ chồng công nhận( ở đây là nói mẹ chồng còn sống, khỏe mạnh). Nên đối với điều kiêng kỵ này mình cũng không biết như thế nào là đúng, chỉ có thể hiểu do phong tục tập quán ở từng địa phương thôi.

– Những người gia đình không hạnh phúc, hay cãi vã, những người cuộc sống không thuận, những người đứt gánh giữa đường (chỉ còn vợ, hoặc chồng), những người lấy nhau xong mãi không có con, hiếm muộn… không được đi đón dâu.

- Kiêng kỵ không được quên rải kim và tiền lẻ, gạo muối, cau trầu dọc đường: Khi đón dâu đi qua các cây cầu, ngã 3, ngã tư, ngã 5, ngã 7 cô dâu phải vứt gạo muối, kim, tiền lẻ, cau trầu xuống với mong muốn đoạn đường sắp tới của đôi uyên ương sẽ luôn suôn sẻ, giàu sang, hạnh phúc và may mắn sau này cũng như giải trừ xui xẻo.

- Kiêng kỵ đổ vỡ đồ vật trong đám cưới: Trong đám cưới, mọi người thường phòng tránh việc đổ vỡ gương, vỡ cốc hay gãy đũa. Bởi chuyện đổ vỡ là điềm báo xui xẻo cho cuộc sống hôn nhân sẽ không suôn sẻ, dễ chia ly, không êm đềm của đôi vợ chồng trẻ.

- Kiêng kỵ những người “vía nặng” không được vào phòng tân hôn: Phòng tân hôn là nơi quan trọng để hai vợ chồng bắt đầu một cuộc sống mới, chính vì vậy, người ta kiêng kỵ những người sau không được vào phòng tân hôn bao gồm: Phụ nữ góa chồng, người có thai, người có hôn nhân tan vỡ, người hiếm muộn con cái, người có tang… để tránh những điều bất lợi, không may cho đôi vợ chồng mới.

- Kiêng kỵ dùng giường cũ làm giường tân hôn: Giường tân hôn cần mua giường mới (không nên dùng giường cũ) để tránh những điều không may sau này.

- Người trải chiếu hoa cho giường tân hôn phải nhờ người tốt vận (một phụ nữ trung niên, có gia đình ấm êm hạnh phúc, có đủ con trai, con gái) trải chiếu hoa giúp, như thế thì mới mong sinh con khỏe mạnh, dễ nuôi.

- Kiêng kỵ không cho người khác ngồi trên giường tân hôn vì như thế sẽ lấy hết lộc, đem lại những điều không may mắn cho đôi trai gái.

- Đầu giường và hai bên thành giường tân hôn không được đối chiếu với gương lớn: Bởi nếu xắp xếp như thế sẽ làm ảnh hưởng tới sinh hoạt vợ chồng. Giường tân hôn không được kê ở mé tây ngôi nhà, hoặc căn phòng. Ngoài ra, phía cuối giường không trực diện với cửa ra vào, nếu không dễ gây tâm lý bất an, dễ gây đau đầu. Giường tân hôn không kê dưới xà ngang, nhưng nếu đã làm trần giả che kín thì không sao

Ngoài những điều kiêng kỵ mình kể ở trên ra còn những điều khác mà mình được mách nhỏ như là: Khi làm lễ trong nhà hàng thì để cho chú rể cầm chai champagn và cắt bánh, mình đừng giành làm hết, sau này mọi cực nhọc chồng sẽ gánh hết. Khi vào phòng riêng thay áo dài ra, phải chú ý làm sao để cái áo của mình trùm lên áo vest của chồng, như lời mẹ mình thì như thế sau này sẽ nắm quyền chồng…,  mình còn được dặn chuẩn bị trước hoa hồng để nếu gặp xe cưới đi ngược chiều thì ném hoa vào xe họ. Ngày xưa hình như là dùng trả bằng gốm nếu gánh xiểng đi qua đụng đầu nhau thì phải đập trả gì đó mình cũng không rõ. Nhưng giờ đám cưới ngày đẹp ra đường gặp quá chừng đám cưới đụng đầu nhau, điều này không thực tế lắm nhỉ.

Còn có nào là chỉ được xé cau trong mâm quả chứ không được dùng dao cắt. Nào là đón dâu một đường thì về phải bằng đường khác. Nhẫn cưới phải là nhẫn trơn. 

Quả thật là ngày xưa có quá nhiều điều kiêng kỵ các bạn nhỉ, cũng may giờ cũng đã giản lược bớt các phong tục rồi cũng bỏ qua bớt những điều kiêng kỵ chứ nếu giữ mãi những điều này tân lang tân nương sẽ rất lúng túng, hoang mang đấy.

Một số điều kiêng kỵ có cơ sở khoa học hoặc là những nét văn hóa đẹp thì chúng ta vẫn nên duy trì và thực hiện. Một số điều không hợp lý và mang tính mê tín thì không nên mù quáng thực hiện nha. Thông thường những điều kiêng kỵ được xây dựng trên cơ sở niềm tin. Vì thế nếu vì lý do nào đó không thực hiện hoặc khi thực hiện gặp sự cố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của đôi vợ chồng trẻ cũng như họ tộc.

Thiết nghĩ một cuộc hôn nhân bền vững hay không chủ yếu là do hai vợ chồng. Họ có thật sự hiểu nhau, yêu nhau và có những kỹ năng sống chung hay không chứ không hề phụ thuộc vào những điều kiêng kỵ. Vậy hãy tin vào chính mình nhé các bạn. Chúc các bạn hạnh phúc!

Tác giả: Xuka

 

 

 

 

 

Bình luận

Viết Đánh Giá
H
em thấy việc các mẹ bầu đi dự đám cưới không còn bị khắt khe nữa
H
có kiêng có lành chị nhỉ
H
bài viết rất hữu ích, có những điều mà trước giờ mình chưa từng biết
P
chúc chị may mắn nhé
C
có nhiều điều kiêng kỵ lúc trước mình cũng được dặn dò rất nhiều lần trong đám cưới của mình nè
X
dạ cái nào tốt thì cũng đừng bỏ qua
X
quan trọng nhất là sau khi về chung sống vợ chồng nên làm thế nào để sống chung hòa hợp hạnh phúc.
X
dạ, làm sao cho phù hợp là được
X
cảm ơn bạn nhiều nghen
X
mình viết ra hết những điều mình biết rồi, nhưng chắc là còn nữa vì mỗi vùng miền cũng có khác nhau.