Thanh toán

Tất tần tật thông tin về đặt vòng tránh thai

Đăng bởi Marry Doe - 04/01/2016   |   Lượt xem: 5229

Đặt vòng tránh thai là biện pháp ngày một phổ biến. Nếu đang băn khoăn đặt vòng tránh thai có đau không ? hay cách đặt vòng tránh thai và tác dụng phụ của nó như thế nào, chị em hãy tham khảo bài viết dưới đây.

Tìm hiểu về vòng tránh thai

1. Vòng tránh thai là gì?

Vòng tránh thai (hay còn được gọi là dụng cụ cổ tử cung) là một dụng cụ bằng nhựa hình chữ  T có gắn thêm một vòng nhỏ ở dưới cùng hoặc bằng đồng được đặt vào trong lòng tử cung của bạn. Vòng tránh thai có tác dụng ngăn không cho tinh trùng gặp trứng cũng như ngăn trứng làm tổ trong tử cung và phát triển thành bào thai bằng cách thay đổi môi trường của nội mạc tử cung. Vòng tránh thai không làm ảnh hưởng đến quá trình giao hợp của bạn. Đặt vòng tránh thai là biện pháp tránh thai có hiệu quả rất cao, cụ thể là 99%. Đây cũng là cách tránh thai đa số các chuyên gia y tế sử dụng cho chính mình. Nhưng nếu lo lắng vòng tránh thai gây đau đớn, bạn có thể tham khảo các chia sẻ sau của chị em đã thực hiện cách này để an tâm hơn.

đặt vòng tránh thai

Chị em đánh giá mức độ đau khi đặt vòng tránh thai.

2. Đặt vòng tránh thai có đau không?

Theo khảo sát gần đây trên tờ Dove Medical Press, chị em cảm thấy cơn đau khi đặt vòng ít hơn tưởng tượng ban đầu. Trước thủ thuật, nhóm nghiên cứu hỏi 89 phụ nữ tại Anh về mức độ đau họ sẽ chịu. Trong thang đánh giá từ 1 đến 10, mức độ trung bình của cơn đau được hình dung là 6. Sau thủ thuật, người tham gia được yêu cầu đánh giá mức độ của cơn đau mình thực sự trải qua, kết quả là 4, thấp hơn 2 điểm. Mặc dù việc đặt vòng diễn ra rất nhanh, đây vẫn là một tiểu phẫu. Các bác sĩ sản phụ khoa cho biết một số chị em sẽ bị chuột rút tương tự như khi trong kỳ kinh. Một nửa người tham gia khảo sát đã từng sinh con và đánh giá mức độ đau thực sự thấp hơn nhiều so với tưởng tượng (mức độ lần lượt là 3 và 6). Ngược lại, những chị em chưa qua sinh nở đánh giá mức độ đau cao hơn (mức 6). Vậy, nếu đang muốn đặt vòng nhưng còn băn khoăn về cơn đau, bạn có thể thảo luận với bác sĩ để tìm ra giải pháp giảm đau phù hợp. Đó có thể là thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc gây mê (hiếm gặp).

3. Phương pháp này phù hợp với ai?

Những ứng viên tốt nhất là phụ nữ với tử cung bình thường và ít rủi ro mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (đang có mối quan hệ lâu dài, ổn định với đối tác không có tiền sử mắc bệnh). Bất kỳ phụ nữ nào có nhiều bạn tình hoặc có bạn đời quan hệ tình dục bên ngoài đều đối mặt nguy cơ lớn mắc phải các bệnh lây qua đường tình dục. Đối tượng này không nên sử dụng phương pháp đặt vòng.

đặt vòng tránh thai

Cân nhắc cơ địa và tình trạng mối quan hệ để lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp.

4. Chuẩn bị trước khi đặt vòng tránh thai

Trước thủ thuật đặt vòng, bạn nên tránh quan hệ tình dục trong 2 tuần. Uống thuốc giảm đau (800 mg ibuprofen hoặc 2 viên Aleve) 30 phút trước khi đến giờ hẹn. Có thể đặt vòng trong hoặc sau khi sinh, lúc cổ tử cung mềm hơn và hơi giãn ra.

5. Bí quyết đặt vòng tránh thai thông minh

Bí quyết để có trải nghiệm khỏe mạnh khi đặt vòng tránh thai là không nên sợ hãi, mà hãy thông minh. Ngoài việc chọn bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong việc đặt vòng, bạn hãy cảnh giác với vòng tránh thai giảm giá, mua từ các nguồn trôi nổi. Ðừng ngại yêu cầu bác sĩ cho xem vỏ bao bì vòng tránh thai. Hầu hết trên bao bì đều cung cấp thông tin để bạn xác nhận hàng chính hãng với hãng sản xuất hoặc đại diện phân phối tại mỗi quốc gia. Quá trình đặt vòng có thể làm lây lan nhiễm trùng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn. Tốt hơn hết, bạn nên thực hiện xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục trước khi đặt vòng, ngay cả khi bác sĩ không đề nghị. Theo bác sĩ Lê Ðức, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, Bình Dương: “Nếu chưa có con, bạn nên yêu cầu siêu âm trước khi đặt vòng. Việc này để xác định liệu vòng tránh thai có làm bạn đau hơn không. Dựa trên kết quả, bác sĩ sẽ dùng thuốc tê nhẹ khi đặt vòng để tránh làm bạn đau hoặc bị chuột rút. Bạn không nên đặt vòng mới ngay trong ngày vừa tháo vòng cũ, để cơ thể nghỉ ngơi ít ngày trước khi nhận “vòng kim cô” khác. Khi kích thích cổ tử cung quá mức, chúng sẽ co thắt, bác sĩ có thể đặt vòng tránh thai không chính xác”. Sau khi đặt vòng xong, nên kiểm tra thường xuyên sợi dây của vòng tránh thai. Trong ba, bốn tuần đầu tiên sau khi đặt vòng, bạn có thể gặp phải các triệu chứng của nhiễm trùng như sốt, đau bụng, huyết trắng có mùi hôi. Một số người còn bị chảy máu bất thường hoặc co thắt nhẹ trong vài tháng đầu tiên. Thế nhưng nếu bạn bị chảy máu quá nhiều có thể do vòng tránh thai đặt sai vị trí. “Nếu cảm thấy có điều gì bất ổn xảy ra trong cơ thể, bạn nên đến gặp ngay bác sĩ. Ðừng quên học cách lắng nghe cơ thể để phát hiện kịp thời những triệu chứng bất thường”, bác sĩ Trần Phương Hạnh, bệnh viện Phụ sản Quốc tế, Q. 1, TP. HCM, dặn dò các chị em.

6. Cách kiểm tra vòng tránh thai sau thời gian sử dụng

Hằng tháng, bạn nên tự kiểm tra để chắc rằng vòng tránh thai nằm đúng vị trí. Sợi dây nhựa dẻo ở vòng tránh thai giống như dây của cần câu cá. Bác sĩ sẽ cắt chúng còn khoảng 2-3cm sau khi đã đặt vòng.

Bạn thực hiện việc kiểm tra theo các bước sau:

– Rửa tay sạch với xà phòng.

– Ðút một ngón tay vào âm đạo.

Bạn sẽ cảm nhận được vị trí của dây. Bạn kiểm tra xem sợi dây còn nằm ở cổ tử cung hay không. Nếu nó vẫn hiện diện ở đấy nghĩa là vòng tránh thai vẫn nằm đúng vị trí.

7. Đặt vòng tránh thai có hiệu quả không ?

Hiệu quả sử dụng vòng tránh thai đạt tới 99% việc phòng ngừa có thai ngoài ý muốn. Một con số vô cùng ấn tượng. Chỉ số này vượt trội hơn hẳn so với các phương pháp ngừa thai khác như thuốc ngừa thai (có hiệu quả khoảng 92%) hay bao cao su (khoảng 97%).“Một trong những ưu điểm lớn nhất của vòng tránh thai là có cùng một cách sử dụng”, Strickland nói. Điều đó trái ngược với thuốc tránh thai, bởi tỷ lệ thất bại có thể lên đến 9%, có nghĩa là nếu bạn không sử dụng nó một cách hoàn hảo mỗi ngày, cơ hội mang thai của bạn sẽ tăng lên. “Ngược lại với việc phải nhớ uống thuốc mỗi ngày, phụ nữ không phải làm bất cứ điều gì sau khi đặt vòng tránh thai”, Strickland nói. Tip: Thời điểm đặt vòng tránh thai có thể bất kỳ khi nào miễn là bảo đảm không có thai, tuy nhiên thông thường đặt những ngày cuối khi hành kinh vì lúc này cổ tử cung còn hé mở sẽ dễ đặt hơn. Cũng có thể đặt ngay sau khi hút thai ở quý đầu, nhưng cũng phải có kinh nghiệm vì khi đặt vòng tránh thai sau phá thai có thể làm huyết ra kéo dài hơn dễ nhầm lẫn với sót rau hoặc rối loạn nội tiết. Đối với những người sau sinh thì có thể đặt ngay từ tuần thứ 7, nghĩa là hết thời kỳ hậu sản sẽ bảo đảm tránh thai mà không ảnh hưởng đến sự tiết sữa nên không ảnh hưởng đến nhũ nhi.

8. Tác dụng phụ của phương pháp đặt vòng

Có thể bao gồm đau quặn bụng dưới và hoặc chảy máu bất thường. Trong một số trường hợp, mặc dù không phổ biến, do progestin bị giải phóng với lượng rất nhỏ vào cơ thể, gây ra mụn trứng cá, tâm trạng thất thường, đầy bụng. Tuy nhiên, lượng progestin hòa vào cơ thể không đáng kể và không gây ra những tác dụng phụ toàn thân.

Nguồn bài viết: Đặt vòng tránh thai - Sống Khỏe Today

Bình luận

Viết Đánh Giá
D
cách đặt vòng tránh thai mới này chị em
http://phukhoadongphuong.com/cach-dat-vong-tranh-thai-o-tay-co-tot-khong-va-gia-bao-nhieu.html
M
Trước kia mình cũng không biết :)
L
Thông tin rất hay dành cho các bạn gái sắp lấy chồng
L
Những phương pháp tránh thai mình biết rất rỏ nhưng chưa thực tế từng loại thôi
L
Thật sự bây giờ mình mới biết vòng tránh thai đó hihi