Thanh toán

Tình yêu của người chồng trẻ dành cho vợ đang chết dần chết mòn vì bệnh tật

Đăng bởi Marry Doe - 15/11/2015   |   Lượt xem: 390

Tình yêu của người chồng trẻ dành cho vợ đang chết dần chết mòn vì bệnh tật

Xuất phát từ tình yêu đôi lứa giản dị nhưng khi gặp biến cố tưởng chừng sẽ xa cách họ thì tình yêu ấy lại trỗi dậy như một ngọn lửa.

Đó là câu chuyện tình vợ chồng cảm động của anh Doãn Văn Cương (1987) và chị Đặng Kim Ngân (1987). Kể từ khi vợ bị cắt một chân và chuẩn đoán ung thư di căn xương, khó lòng qua khỏi, anh Cương vẫn một lòng yêu thương, tận tâm chăm sóc dù kinh tế gia đình vô cùng eo hẹp.
Và điều đặc biệt hơn ở người đàn ông này là dù trong hoàn cảnh nào anh cũng nghĩ đến vợ, khao khát làm điều bất ngờ để mang lại niềm vui xoa dịu nỗi đau cho chị ấy.
9 năm trước, anh Cương và chị Ngân quen nhau từ khi họ cùng làm thuê cho một quán phở ở Hà Nội. Nhiều điểm khác biệt về tính cách nhưng bất ngờ cảm mến nhau từ ánh mắt đầu tiên. Sau gần 1 năm tìm hiểu và gắn bó, họ đã tính đến chuyện về chung một nhà. Nhưng không ngờ rằng bố mẹ Ngân lại phản đối vì gia đình Cương có tiểu sử về bệnh tim và sợ ảnh hưởng về sau. 
Dù vậy, với sức mạnh của tình yêu, quyết đoán của tuổi trẻ, Ngân đã vượt qua sự ngăn cản của gia đình và chuyện tình của họ được đơm hoa kết trái bằng một đám cưới giản dị và hạnh phúc.
8 năm đầu ấp tay kề, anh chị có với nhau 3 mặt con. 2 cháu đầu là gái, cháu lớn 7 tuổi, cháu thứ hai 5 tuổi. Cháu út là con trai, mới được hơn 16 tháng tuổi. Ngày ngày Cương đi làm thuê, kinh tế gia đình chỉ vẻn vẹn đủ trang trải cuộc sống nhưng họ đều cảm thấy sung túc. Cuộc sống tưởng chừng cứ như vậy sẽ được êm đềm và viên mãn thì sóng gió bất ngờ ập tới gia đình bé nhỏ này. Tương lai hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ như mờ mịt dần đi kể từ ngày chị Ngân nhận tin bị ung thư xương.
 


Dù trong hoàn cảnh nào anh cũng nghĩ đến vợ, khao khát làm điều bất ngờ để mang lại niềm vui xoa dịu nỗi đau cho chị ấy.
 

Ngày 12 Tết năm 2014, Ngân vô tình bị ngã và gãy xương đùi. Gia đình đưa lên bệnh viện huyện thì chị được chuẩn đoán là gãy xương bệnh lý. Để chính xác hơn, chị tiếp tục được đưa lên bệnh viện Xanh- Pôn (Hà Nội), tại đây, chị cũng được chuẩn đoán là bị gãy xương bệnh lý nhưng bác sĩ đề nghị cắt bỏ một bên chân. Hành trình chữa bệnh chưa dừng lại, chị Ngân được đưa qua viện K1, K2. Khi đến viện K3 Tân Triều thì phát hiện bệnh đã di căn xương.
Khi nhận được tin dữ này, Cương không chỉ xót vợ mà còn băn khoăn xoay sở viện phí. Trước khi vào phòng phẫu thuật cắt chân trái, Cương chỉ biết nắm chặt tay vợ và dặn “Hứa với anh, khi tỉnh dậy không được khóc”. “Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng khi tỉnh dậy thấy một chân còn một chân mất, em vẫn vô cùng choáng váng, không dám ngồi dậy, không dám cúi nhìn” -Ngân xúc động chia sẻ.
Cuộc sống của vợ chồng Cương trở nên nặng nề hơn khi chi phí ở viện khá tốn kém. Tiền chữa trị, thuốc men, đi lại… trong khi đó hai vợ chồng lại có con nhỏ nên kinh tế càng trở nên eo hẹp. Kinh phí trang trải thuốc thang, anh Cương và gia đình chủ yếu vay mượn anh em, họ hàng. Đến nay, con số vay nợ để chữa bệnh cho chị Ngân đã ngót nghét trăm triệu.
Kể từ ngày phát bệnh, vợ chồng anh Cương, chị Ngân đưa nhau lên thành phố chữa bệnh. Và cũng từ ngày đó, 3 đứa nhỏ phải xa bố mẹ, đứa con nhỏ nhớ mẹ khóc ngằn ngặt, nhưng ông bà nội không dám cho cháu lên thăm mẹ, vì chị Ngân đang trong giai đoạn truyền hóa chất để điều trị.
Nhắc đến con, chị Ngân buồn bã: “Các cháu cũng chỉ biết mẹ bị cắt chân chứ không biết bị bệnh gì hết. Lần này đi viện lâu quá, tháng rồi chưa về. Em nhớ con. Lúc nhớ cũng chỉ biết khóc”.

Thương vợ, xót con, Cương đã tìm mọi cách để chạy chữa cho vợ. Hàng ngày ai thuê gì thì anh là mấy: vác gỗ, khuân gạch… “Chồng em đi từ sáng đến tối mới về, nhiều khi về ăn cơm xong, 8h anh lại đi và sáng sớm hôm sau mới về”, Ngân tâm sự. Nếu trướcđây anh vất vả để nuôi gia đình thì nay phải gồng mình lên gấp đôi gấp ba để có thể vừa đi làm, vừa chăm sóc vợ vừa nuôi dạy con cái. Nhưng đổi lại thì nay họ lại được gần nhau, tận tay chăm sóc cho con .

Trân trọng những ngày được bên vợ. Anh Cương đã luôn tìm cách để mỗi ngày của Ngân đều là một ngày đặc biệt để cô cảm thấy hạnh phúc quên đi những đớn đau của bệnh tật và quên đi ngày mai sẽ nghiệt ngã như thế nào?
Anh lặng lẽ chụp hình và quay video lại những khoảnh khắc tình cờ vợ tươi cười và con vui chơi để làm kỉ niệm, lúc vợ nhớ vợ buồn mở ra xem.“Tôi làm nó để lưu giữ kỷ niệm với vợ con. Giờ hai vợ chồng cũng chỉ biết gắng yêu thương nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Còn sống với nhau ngày nào, tôi sẽ tận dụng mọi thời gian để ở bên cạnh vợ, chăm sóc vợ!”- anh Cương nói.
Những ngày lễ, dịp sinh nhật Cương luôn tạo bất ngờ cho Ngân để cô thấy dù ở hoàn cảnh thiếu thốn đi nữa thì tình yêu anh dành chị không bao giờ thiếu, không bao giờ phai nhạt.
Nhắc đến vợ chồng Cương – Ngân, những bệnh nhân trong phòng 5, khoa Nhi, bệnh viện K3 Tân Triều ai cũng thương và cảm phục. “Từ ngày thấy vợ chồng Cương- Ngân vào đây, chưa khi nào tôi thấy anh Cương rời khỏi vợ nửa bước. Mọi việc từ tắm, giặt, chăm cho Ngân ăn đều một tay Cương làm.
Thậm chí có khi thèm chè búp, Cương cũng mua về đây uống để ngồi cạnh, chăm sóc vợ chứ không xuống dưới chè thuốc như nhiều người đàn ông khác. Nhiều lần thấy Cương bón cho Ngân ăn, Ngân mệt không ăn được, cáu gắt, Cương vẫn động viên. Ngân khóc, Cương cũng khóc. Ngân không ăn được, Cương cũng không ăn…" - chị Th – người thân của một bệnh nhi kể lại.
Khó khăn bủa vây, khó ai có thể lường trước được. Đối diện với một cái chết được báo trước quả thật không dễ. Nhưng họ không chỉ can đảm sống mà còn sống những ngày tháng đầy yêu thương và ý nghĩa bên gia đình và người thân. “
Chồng em mãi là chỗ dựa vững chắc cho em và các con em” - Ngân nghẹn ngào. Có thể nói với họ, mỗi ngày hôm qua là một giấc mơ hồng ngập tràn hạnh phúc và nếu có ngày mai thì đó chắc chắn là một khoảng trời xanh đầy hi vọng.

Bình luận

Viết Đánh Giá

Chưa có bình luận nào