Thanh toán

Uyên ương lo lắng khi cưới sát Tết

Đăng bởi Marry Doe - 29/01/2016   |   Lượt xem: 572

Nhiều cô dâu bối rối vì phải quán xuyến các công việc ngày Tết của gia đình mới, để tránh điều này, uyên ương nên làm quen với gia đình và chuẩn bị tâm lý thoải mái, vui vẻ.

Khi cưới gần Tết, nhiều đôi uyên ương ngại ngần vì sẽ phải gặp gỡ nhiều họ hàng trong kỳ nghỉ, hoặc phải lo lắng công việc bận rộn của ngày Tết trong khi chưa quen thuộc với hết các thành viên cũng như phong cách sinh hoạt của gia đình mới.

Nhưng đây cũng là dịp để cặp đôi mới cưới gắn kết với gia đình. Cô dâu chú rể nên chuẩn bị tâm lý thoải mái và lên lịch trình thăm hỏi gia đình, họ hàng sao cho khoa học. Trước ngày cưới, cả hai người cũng lưu ý gần gũi với gia đình, thường xuyên hỏi thăm, chuyện trò cùng mọi người để không bỡ ngỡ khi bước vào gia đình mới.

1. 'Ghi điểm' với gia đình hai bên

- Khi đã tính tới chuyện hôn nhân, mối quan hệ của uyên ương và hai gia đình cũng nên được củng cố. Lúc này, đa số cô dâu chú rể tương lai đã được giới thiệu với cả hai gia đình và biết rõ từng thành viên trong nhà. Trong thời gian chuẩn bị đám cưới, dù bận rộn, hai người nên cố gắng sắp xếp thời gian ít nhất một tháng mỗi lần tới thăm hỏi gia đình hai bên, hoặc nếu có thể, vài tuần gọi điện nói chuyện với cha mẹ người yêu. Đó sẽ là cách gây dựng mối quan hệ tốt.

Cả cô dâu và chú rể đều cần chú ý tới tác tác phong, thái độ của mình khi ở nhà bố mẹ chồng (bố mẹ vợ). Uyên ương vẫn nên giữ một chừng mực vừa phải, không nên tự nhiên thể hiện tình cảm, dễ phản tác dụng. Chắc chắn gia đình người yêu sẽ quý mến một cô gái, chàng trai điềm đạm, giữ đúng phép tắc và không quá vồn vã, thoải mái.

- Trong những lần tới thăm hỏi gia đình, hai người nên thường xuyên chuyện trò, thăm hỏi từng người để rút ngắn khoảng cách xa lạ. Bạn có thể tìm ra những vấn đề chung trong cuộc sống hoặc hỏi kinh nghiệm cha mẹ chồng (vợ) tương lai về kinh nghiệm tổ chức cưới. Các bậc phụ huynh thường sẵn lòng chia sẻ về vấn đề này và cảm thấy vui vẻ khi được con cái tin tưởng hỏi ý kiến. Thỉnh thoảng cô dâu tương lai cũng có thể mời cha mẹ chồng tương lai đi ăn, đi mua sắm để tạo cảm giác bạn giống như con cái trong nhà, gần gũi và thân mật. Với anh chị em trong nhà, uyên ương sẽ dễ gần gũi hơn vì tuổi tác không cách nhau quá xa.

- Cô dâu chú rể cần chú ý quan tâm tới từng thành viên trong gia đình "đối phương" bằng cách nhớ các cá tính, sở thích và cả những ngày kỷ niệm, sinh nhật đáng nhớ. Tuy chưa chính thức là thành viên trong nhà, nhưng vào các dịp lễ Tết, kỷ niệm đặc biệt, bạn cũng nên gửi lời chúc mừng, hay mua quà, bánh tới tặng cha mẹ và anh chị em trong nhà. Đây sẽ là cách ghi điểm ấn tượng với các bậc phụ huynh và thể hiện sự chu đáo của bạn.

2. Ra mắt gia đình, quán xuyến công việc ngày Tết

Thời điểm cuối năm, gần Tết Nguyên đán là dịp nhiều uyên ương tổ chức đám cưới. Khi về làm dâu mới, nhiều bạn gái thường lo lắng tới công việc trong dịp Tết. Tránh cảm thấy mệt mỏi, hụt hẫng vì có quá nhiều cần quán xuyến, cả cô dâu và chú rể cần chuẩn bị sẵn tâm lý làm dâu (rể) ngày Tết.

- Mua sắm tặng quà gia đình: Đây là công việc mà cô dâu, chú rể mới nào cũng cần trải qua. Dù gia đình không bắt buộc nhưng cặp đôi mới cưới cần mua những món quà tặng để dành biếu cha mẹ, ông bà hoặc các thành viên quan trọng trong họ hàng. Hai bạn nên biếu quà cả nhà trai lẫn nhà gái để thể hiện lòng hiếu thảo. Việc chọn quà tùy theo điều kiện kinh tế của uyên ương nhưng đó có thể là hoa quả, bánh kẹo, rượu vang hay những đồ dùng trong gia đình...

- Lo liệu các mâm cỗ ngày Tết: Việc nấu cỗ hay phụ giúp mẹ chồng trong các bữa cỗ ngày Tết là công việc quan trọng mà cô dâu cần chuẩn bị. Nếu nhà đông khách hoặc gia đình có phong cách cầu kỳ, cô dâu có thể cảm thấy mệt mỏi nhưng đây sẽ là cách ghi điểm nhanh nhất với gia đình nhà chồng.

Dù là người khéo léo hay không tháo vát trong chuyện bếp núc, cô dâu mới cũng nên tham khảo ý kiến mẹ chồng và lắng nghe những chỉ dẫn của người lớn tuổi. Tết đầu tiên của cô dâu mới, đôi khi bạn không hiểu hết được thói quen cũng như sở thích của các thành viên, lúc này người bạn cần chia sẻ chính là mẹ chồng. Cô dâu có thể hỏi mẹ những điều cần lưu ý trong gia đình để ngày Tết diễn ra suôn sẻ.

- Chào hỏi họ hàng: Trong dịp Tết, cô dâu chú rể sẽ phải tới nhà các thành viên trong họ hàng để chào hỏi, ra mắt. Lúc này bạn đừng quên chuẩn bị lì xì cho các em nhỏ và quà cho những ông bà lớn tuổi. Hành động chu đáo này sẽ khiến mọi người có cảm tình và yêu quý bạn hơn.

Nguồn: http://ngoisao.net/tin-tuc/cuoi-hoi/cam-nang/uyen-uong-lo-lang-khi-cuoi-sat-tet-2936250.html

Bình luận

Viết Đánh Giá

Chưa có bình luận nào