Đăng bởi Marry Doe - 21/05/2019 | Lượt xem: 3210
Khi được hỏi bất ngờ về việc cần chuẩn bị gì trước hôn nhân, hầu hết các chị em phụ nữ đều nghĩ ngay đến việc chọn váy cưới, chụp hình cưới hay nơi đãi tiệc… Thế nhưng, một vấn đề quan trọng không kém chính là chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân dường như đã bị “bỏ quên”.
Để giúp các cặp đôi, đặc biệt là các bạn nữ, có một cuộc hôn nhân trọn vẹn, Marry.vn đã phối hợp với Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức buổi tư vấn “Chung đôi sánh bước, làm chủ tương lai” vừa diễn ra vào cuối tuần qua tại Triển lãm cưới Marry Wedding Day 2019. Với nội dung chính xoay quanh vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản và tiêm phòng những căn bệnh cần thiết trước khi cưới, bảo đảm sức khỏe của cả mẹ và bé trong tương lai, buổi tư vấn đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo các bạn nữ.
Đến với chương trình lần này, cả hai chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và tiêm phòng: ThS. BS Nguyễn Minh Ngọc - Phó Khoa Xét Nghiệm Lâm sàng - Viện Pasteur TP.HCM, BS Chuyên khoa 1 Đặng Lê Dung Hạnh - Trưởng khoa hậu phẫu Bệnh viện Hùng Vương đã mang đến nhiều thông tin hữu ích cho các cặp đôi. Qua đó, nhiều câu hỏi, thắc mắc cũng đã được giải đáp ngay tại buổi tư vấn.
Buổi chia sẻ "Chung đôi sánh bước, làm chủ tương lai” diễn ra ngày 18-5 tại TP.HCM
Vì sao các chị em cần tiêm ngừa trước khi cưới?
Việc tiêm phòng trước hôn nhân sẽ giúp chị em đủ sức khỏe để bước vào vai trò mới - làm vợ, làm mẹ. Theo ThS. BS Minh Ngọc: "Sau khi cưới, nhiều cặp vợ chồng trẻ dự định có con, việc tiêm ngừa các bệnh trước khi sinh là điều rất cần thiết để đảm bảo tốt cho sức khỏe cả mẹ và bé". Bác sĩ cũng khuyên trước khi cưới cần tiêm ngừa các bệnh như ung thư cổ tử cung (UTCTC), sởi, thủy đậu, quai bị, rubella… Riêng UTCTC, phụ nữ cần tiêm phòng càng sớm càng tốt để bảo vệ khả năng làm mẹ trong tương lai.
ThS. BS Nguyễn Minh Ngọc (ở giữa) và BS. Đặng Lê Dung Hạnh (bên phải) tại buổi tư vấn
Nguyên nhân chính gây UTCTC là gì? Bệnh có triệu chứng gì đặc biệt không?
Theo BS Dung Hạnh, 99,7% nguyên nhân gây UTCTC có liên hệ chặt chẽ đến vi rút HPV, với 70% liên quan đến hai chủng HPV 16 và 18. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, thường kéo dài từ 15-20 năm. Triệu chứng bệnh thường khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Do đó, nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tử cung. Điều này nhiều khả năng tước bỏ quyền làm mẹ của người phụ nữ. Đó là lý do vì sao chị em cần tiêm phòng UTCTC càng sớm càng tốt.
BS. Dung Hạnh chia sẻ về sự nguy hiểm của bệnh UTCTC
Có những cách nào để phòng ngừa UTCTC?
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin HPV năm 2018, UTCTC là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 2 ở phụ nữ trong độ tuổi 15 - 44. Mỗi ngày, có khoảng 7 phụ nữ mất do căn bệnh này. Hiện bệnh chưa có thuốc đặc trị nên cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV, đi cùng với tầm soát định kì nhằm phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời. Độ tuổi tiêm ngừa là 9-26 tuổi, tốt nhất là 11 đến 12 tuổi, không quan tâm là đã có quan hệ tình dục hay chưa. Tuy nhiên, BS Dung Hạnh nhấn mạnh thêm, phụ nữ đã có quan hệ tình dục hoặc đã lập gia đình vẫn nên tiêm vắc xin phòng HPV để phòng tái nhiễm hoặc phòng các chủng HPV chưa bị nhiễm.
Buổi tư vấn với nhiều thông tin hữu ích đã được hàng ngàn người theo dõi trực tuyến
Bạn có thể xem lại buổi tư vấn
tại đây.
Vắc xin HPV có an toàn không?
Về an toàn của vắc xin, BS. Minh Ngọc nhấn mạnh: Hiện nay, chưa thấy có những tác dụng ngoại ý đáng quan ngại liên quan đến vắc xin HPV, điều này cũng được các tổ chức y tế uy tín như CDC Hoa Kỳ, WHO liên tục khẳng định
Theo BS Minh Ngọc, vắc xin ngừa vi rút HPV từ khi được đưa vào nghiên cứu cho đến khi đưa ra sử dụng rộng rãi đã trải qua rất nhiều nghiên cứu và báo cáo liên quan đến hồ sơ an toàn, với số lượng hơn 1 triệu liều. Hiện nay, chưa thấy có những tác dụng ngoại ý đáng quan ngại liên quan đến vắc xin HPV, điều này cũng được các tổ chức y tế uy tín như CDC Hoa Kỳ, WHO liên tục khẳng định. Hiện nay đã có hơn 300 triệu liều vắc xin HPV được sử dụng ở hơn 140 nước, cho thấy rằng đây là một vắc xin an toàn và được chấp thuận ở nhiều nơi trên thế giới. Ngoài ra, những tác dụng ngoại ý nhẹ như sưng ở chỗ tiêm, mẫn đỏ… đều cho thấy không khác biệt đáng kể với các loại vắc xin khác.
Để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về vi rút HPV, các biện pháp phòng ngừa UTCTC và các bệnh liên quan, vui lòng truy cập Fanpage
www.facebook.com/hpvvietnam/, website
http://www.hpv.vn/vi/ hoặc gọi đến tổng đài 1800 545 459 để được chuyên gia vắc xin tư vấn (miễn phí cuộc gọi).
* Đây là bài viết nằm trong chương trình truyền thông cộng đồng của Hội Y học Dự phòng Việt Nam, được tài trợ bởi VPĐD MSD vì mục đích giáo dục.