Thanh toán

Bí mật của một cuộc hôn nhân hạnh phúc là xem nó như một tài khoản ngân hàng

Đăng bởi Marry Doe - 17/03/2018   |   Lượt xem: 628

Những gì bạn cần làm là nghĩ về mối quan hệ như một tài khoản ngân hàng – một dạng niềm tin rằng nếu liên tục duy trì tài khoản ở mức dương, cuộc hôn nhân của bạn sẽ không bao giờ "mắc nợ".

Những năm đầu của một mối quan hệ vợ chồng thường rất mặn nồng. Bạn không bao giờ nghĩ cảm xúc này rồi sẽ mất đi. Hai bạn không bao giờ trở thành một cặp trung niên chỉ ngồi lặng lẽ nhìn nhau trong nhà hàng, hay phải trải qua cuộc ly dị cay đắng. Hai bạn là một cặp khác biệt. Mối quan hệ của hai bạn chắc chắn vượt trên mức trung bình. Hai bạn sinh ra là để chiến thắng “số phận”. Nhưng rồi bạn cảm thấy hai người chỉ giống như những người bạn cùng phòng đơn thuần thích ở cùng nhau, rất thân thiết nhưng lại thiếu chiều sâu, sự phong phú và nhiệt tình cho mối quan hệ. Màu hồng ban đầu dần phai nhạt.

Tuy kết cục của câu chuyện phổ biến trên có vẻ là không thể tránh khỏi, nhưng sự thật không phải vậy. Nghiên cứu chỉ ra rằng tình yêu lãng mạn hoàn toàn có thể kéo dài, và bạn thật sự có thể chiến thắng “số phận”.

Bằng cách nào? Có vô vàn câu trả lời cho câu hỏi này mà bạn sẽ dễ dàng tìm được từ bạn bè, gia đình, các chuyên gia tâm lý hôn nhân và văn hóa đại chúng nói chung.

Không may là rất nhiều lời khuyên được đưa ra từ những người có ý muốn giúp bạn, hay thậm chí là từ các "chuyên gia", đều không chính xác.

Qua nghiên cứu khoa học và thẩm tra kỹ càng, người ta phát hiện ra rằng bí quyết thực sự để xây dựng và duy trì một cuộc hôn nhân lâu dài và hạnh phúc không hề phức tạp, mà thậm chí còn vô cùng dễ dàng và vui vẻ. Thực tế, bạn còn chẳng cần phải tác động trực tiếp đến cuộc hôn nhân của mình.

Thay vào đó, tất cả những gì bạn cần làm là nghĩ về mối quan hệ như một tài khoản ngân hàng – một dạng niềm tin rằng nếu liên tục duy trì tài khoản ở mức dương, cuộc hôn nhân của bạn sẽ không bao giờ "mắc nợ".

3 Quan Niệm Sai Lầm Về Một Cuộc Hôn Nhân Hạnh Phúc

Trước khi đi vào trả lời câu hỏi tại sao bạn nên hình dung mối quan hệ của mình như một tài khoản ngân hàng, hãy thử xem xét một vài quan niệm phổ biến giải thích vì sao hôn nhân thành công hay thất bại; khi đó ta sẽ thấy sức mạnh của việc coi mối quan hệ như tài khoản ngân hàng sẽ tiết lộ sự sai lầm của những quan niệm này.

Quan niệm #1: những cặp đôi hạnh phúc không có mâu thuẫn

Thực tế: Các cặp đôi có thể tranh cãi ít hoặc nhiều, và họ vẫn hạnh phúc.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Giáo sư John Gottman, người đã dành 16 năm tìm hiểu điều làm những cuộc hôn nhân tở nên bền chặt hay đổ vỡ trong "phòng thí nghiệm tình yêu" của mình ở Đại học Washington. Ông cũng là người nổi tiếng với việc sở hữu khả năng dự đoán chính xác trên 90% về một cặp đôi có khả năng ly dị hay không chỉ bằng việc quan sát họ tương tác với nhau trong 15 phút. Ông phát hiện ra rằng những cặp đôi hạnh phúc không hẳn có ít xung đột hơn những cặp khác. Một vài cặp thực sự hiếm khi tranh cãi và nếu có thì họ cũng rất nhẹ nhàng. Nhưng cũng có những cặp thường xuyên cãi cọ, lớn tiếng và giận dữ. Giống như những cặp đôi lục đục, các cặp đôi cơm lành canh ngọt vẫn thường phải thỏa hiệp giữa những tính khí, giá trị và sở thích khác nhau của mình, và cũng tranh cãi về những điều giống hệt bao cặp đôi khác - tiền bạc, con cái, tình dục… Tuy vậy, bằng cách nào đó mối quan hệ của họ vẫn tốt đẹp.

Quan niệm #2: Giao tiếp tốt và cách thức giải quyết mâu thuẫn tích cực là bí quyết của hôn nhân hạnh phúc

Thực tế: Một cặp đôi có thể rất dở trong việc trao đổi ý kiến với nhau hoặc giải quyết mâu thuẫn mà vẫn hạnh phúc.

Thường thì nếu có vấn đề, các cặp đôi sẽ tìm đến nhà tư vấn hôn nhân. Và họ làm gì ở đó? Họ nói chuyện. Họ nói về các vấn đề của mình, chuyện con cái và cả chuyện người bạn đời đã làm họ thất vọng ra sao. Các chuyên gia trị liệu sẽ tạo điều kiện để thảo luận, hướng dẫn cặp đôi giao tiếp với nhau một cách bình tĩnh, rõ ràng và nhẹ nhàng hơn, với hy vọng sẽ giải quyết được các vấn đề của họ. Giải quyết mâu thuẫn được xem như đích đến cuối cùng của hôn nhân hạnh phúc.

Hiểu biết sâu rộng về giao tiếp "thông suốt" và cách thức hiệu quả để bày tỏ nhu cầu của bản thân trong một mối quan hệ có nhiều lợi ích. Thảo luận một cách bình tĩnh và nhẹ nhàng chắc chắn sẽ tốt hơn và ít gây căng thẳng hơn so với việc lớn tiếng. Nhưng một lần nữa, nghiên cứu của Gottman chỉ ra rằng nhiều cặp đôi không tuân theo bất cứ nguyên tắc nào về việc giao tiếp hiệu quả và giải quyết mâu thuẫn - họ mất bình tĩnh, không lắng nghe, không chủ động nói lên cảm nhận của mình mà chỉ hướng vào lỗi lầm của người kia - nhưng cuộc hôn nhân của họ vẫn dài lâu.

Quan niệm #3: Bất hạnh trong hôn nhân là do kỳ vọng quá cao của cả vợ lẫn chồng

Thực tế: Kỳ vọng cao có lợi cho cuộc hôn nhân của bạn.

Quan niệm thứ 3 này phổ biến đến mức nào trong thời đại ngày nay? Bạn nghe thấy nó ở khắp mọi nơi. Theo những người ủng hộ quan niệm này, các cặp vợ chồng không hạnh phúc là vì người vợ kỳ vọng một cuộc hôn nhân đẹp như mơ, và người chồng cũng nghĩ rằng cuộc sống hôn nhân sẽ thật xuôi buồm mát mái.

"Thực tế đi!" người ta nói. "Cuộc sống hôn nhân rất khó khăn. Ai cũng cưới nhầm người cả, và họ đành phải cố hết sức để sống chung với nhau. Tốt hơn là hãy hạ thấp kỳ vọng xuống và chấp nhận sự thật, thay vì hy vọng lắm rồi thất vọng nhiều."

Quan điểm về hôn nhân như trên chắc chắn sẽ thỏa mãn những người thực tế, nhưng suy cho cùng nó lại không hề dựa trên cơ sở thực tế. Trong The Seven Principles for Making Marriage Work, nghiên cứu của Gottman đã xác nhận rằng thực tế hoàn toàn trái ngược:

"Một số ‘chuyên gia’ về hôn nhân cho rằng nguyên do chủ yếu gây ra sự bất hạnh là vợ chồng đều kỳ vọng quá cao về nhau. Bằng cách hạ thấp kỳ vọng xuống, những tranh cãi sẽ biến mất và bạn sẽ ít có khả năng bị thất vọng hơn. Nhưng Donald Baucom tại Đại học Bắc Caroline đã phản bác quan điểm này bằng việc nghiên cứu tiêu chuẩn và kỳ vọng của các cặp đôi về nhau. Ông phát hiện ra rằng những người có kỳ vọng cao nhất về cuộc hôn nhân của họ cuối cùng sẽ đạt được kỳ vọng đó. Điều này cho thấy bằng cách giữ mối quan hệ của bạn ở mức kỳ vọng cao, bạn sẽ có thể đạt được chính xác mối quan hệ hôn nhân mà bạn muốn thay vì giảm kỳ vọng và để mọi thứ tuột dốc."

Tôi từng nghe nói rằng những ai nói hôn nhân là chuyện dễ dàng đều đang nói dối hoặc ảo tưởng. Song toàn bộ những lý luận về chuyện hôn nhân thật sự khó khăn và bạn phải hạ thấp kỳ vọng của mình đối với tôi chẳng khác nào câu chuyện "Con cáo và chùm nho"; những ai tin rằng hôn nhân là điều khó khăn muốn nghĩ rằng tình trạng hiện tại của mình là tình trạng chung và không thể tránh khỏi.

Nhưng đó hoàn toàn không phải sự thật.

Bởi vì tôi có thể nói rằng sau 12 năm kết hôn và có 2 con, thậm chí khi tôi còn điều hành một công việc kinh doanh cùng vợ mình, quan hệ của chúng tôi vẫn luôn là điều dễ dàng nhất trong cuộc đời tôi - và tôi không hề nói dối. Tôi biết có những cặp đôi khác cũng thấy hôn nhân là điều dễ dàng, và tôi cũng cảm nhận được sự chân thành và thẳng thắn của họ. Bí quyết nào tạo nên những cuộc hôn nhân dễ dàng? Như ta đã bàn luận, đó không phải là do không cãi vã, cũng không phải do khả năng giải quyết mâu thuẫn một cách êm thắm (tôi phải nói rằng đôi lúc chúng tôi tranh cãi cực hăng) hay là nhờ hạ thấp kỳ vọng (sau 12 năm kết hôn, kỳ vọng của tôi vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống).

Thay vào đó, bí quyết tạo nên một cuộc hôn nhân bền chặt nằm ở việc giữ cho "tài khoản mối quan hệ" luôn dương.

Tầm Quan Trọng Của Tài Khoản Mối Quan Hệ

Gần 70% mâu thuẫn hôn nhân sẽ tồn tại mãi mãi và không thể giải quyết được. Những mâu thuẫn đó đi theo các cặp đôi suốt cuộc đời. Họ tranh cãi với nhau về cùng một chuyện hết năm này qua năm khác.

Nếu bạn tin rằng giải quyết mâu thuẫn là bí quyết của hôn nhân hạnh phúc, thì đây là tin buồn cho bạn. Hiển nhiên nếu như vậy thì chẳng có cuộc hôn nhân nào hạnh phúc cả.

Nhưng nếu bạn đi theo triết lý đã được nghiên cứu của Gottman thì những vấn đề trên không hề đáng lo ngại; thực tế, Gottman cho rằng mâu thuẫn là một phần tự nhiên trong tính âm dương của cuộc sống nói chung, đặc biệt là trong các mối quan hệ, vì thế việc có một số khía cạnh tiêu cực trong một cuộc hôn nhân thực chất lại là điều tốt.

Miễn là nó cân bằng với các khía cạnh tích cực.

Gottman đã xây dựng tỷ lệ cân bằng chính xác để một cuộc hôn nhân bền chặt và hạnh phúc là 5:1. Một cặp đôi có tỉ lệ giữa khoảnh khắc tương tác tích cực và khoảnh khắc tiêu cực ít nhất là 5:1 cuối cùng sẽ mãi hạnh phúc bên nhau.

Do vậy hôn nhân hạnh phúc không phải không có mâu thuẫn, chỉ là nó có nhiều điều tích cực hơn tiêu cực. Các hành động tích cực được gom lại như một bộ đệm giúp giảm thiểu và loại bỏ ảnh hưởng xấu của xung đột đến tình cảm vợ chồng, đồng thời “hấp thụ” các mâu thuẫn tiêu cực, giữ cho sự tiêu cực không lan ra và lấn át mối quan hệ. Gottman gọi đây là "áp đảo tâm lý tích cực”.

Một cách khác để nhìn nhận sự cân bằng này là theo kiểu "tài khoản mối quan hệ".

Nếu tài khoản mối quan hệ của một cặp đôi đang có ít “tiền” (nhiều tương tác tiêu cực), thì mỗi lần "rút tiền" (mâu thuẫn) số dư của tài khoản ngày càng gần về 0, hay thậm chí còn tiến đến "bội chi". Do đó, mỗi xung đột đều chứa nhiều rủi ro vô cùng, giống như nó đang đưa mối quan hệ đến bờ vực "phá sản"- chia tay hoặc ly dị.

Mặc khác, nếu tài khoản của một cặp đôi tràn đầy những tương tác tích cực, thì họ có thể  "rút tiền" thường xuyên mà không sợ rủi ro thâm hụt. Vì đã có một bộ đệm an toàn nên khi xảy ra mâu thuẫn, nó không làm họ cảm thấy những xung đột đó quá nghiêm trọng. Họ không hề nghĩ rằng một cuộc tranh cãi có thể làm họ chia tay nhau hay không nên để xảy ra tranh cãi. Tranh cãi chỉ đơn giản là tranh cãi mà thôi.

Như Gottman đã nói, cặp đôi "tích cực" khác cặp đôi "tiêu cực" ở chỗ các cặp tích cực truyền cho nhau mọi cảm xúc trên dải cảm xúc, từ giận dữ, khó chịu, thất vọng và tổn thương cho đến yêu thương và tôn trọng. Dù đang tranh cãi về vấn đề gì thì họ cũng vẫn gửi đi thông điệp rằng: đối phương được yêu thương và được chấp nhận, dù thế nào đi nữa.

Vì Sao Quan Điểm "Tài Khoản Mối Quan Hệ" Hiệu Quả

Vì quan điểm này...

- Gia tăng nỗ lực sửa chữa trong những cuộc xung đột

Bởi những người có tài khoản mối quan hệ "dương" không xem mâu thuẫn là các rủi ro, nên đôi khi trong lúc xung đột họ vẫn tự ý thức được rằng, "Ôi trời, cuộc tranh cãi này thật ngớ ngẩn."

Thực tế, Gottman cho biết một trong những cách để củng cố mối quan hệ là phải thường xuyên và nhanh chóng "sửa chữa" nó. Sửa chữa là những dấu hiệu nhỏ dưới dạng cử chỉ hay ngôn từ như cười mỉm, cười thành tiếng, xin lỗi,… thể hiện một người đang cố phá vỡ sự căng thẳng trong xung đột và giữ cho nó không vượt ngoài tầm kiểm soát. Theo đó, khi tài khoản mối quan hệ của một cặp đôi có số dư nhiều, sau khi kết thúc quá trình sửa chữa người được xin lỗi sẽ có nhiều khả năng nhận ra ý muốn của đối phương và phản hồi một cách điềm tĩnh. Nếu bạn từng ở trong một cuộc tranh cãi nảy lửa với người yêu và khi cô ấy cười, bạn cũng cười, và rồi cả hai lăn ra cười và bắt đầu lấy lại bình tĩnh để nói chuyện một cách bình thường, thì bạn đã trải qua quá trình này.

- Giữ cho mâu thuẫn không lấn át hôn nhân

Việc duy trì một tài khoản mối quan hệ luôn dương không chỉ giúp rút ngắn cuộc tranh cãi, mà còn đảm bảo rằng hai người sẽ mau quên chuyện đó đi và giảm thiểu hậu quả lâu dài do nó gây ra. Những cặp đôi có tài khoản mối quan hệ dương có thể tranh cãi nhưng vẫn còn rất nhiều “tiền”: họ giữ lại tình yêu, lòng ngưỡng mộ và sự yêu mến cho nhau; họ có thể cãi nhau mà vẫn yêu thương nhau rất nhiều.

- Loại bỏ áp lực để tập "xung đột tích cực"

Miễn là bạn có một lượng “tiền” dự trữ đủ nhiều, bạn có thể “rút tiền” mà vẫn duy trì được số dư tài khoản còn dương. Việc bạn tranh luận thế nào không quan trọng bằng tổng thể tình trạng hôn nhân của bạn. Điều này giúp cho nhiều người trút bỏ được gánh nặng, vì hãy đối mặt với thực tế đi, khi đang hăng say tranh luận thì rất khó để nhớ rằng ta cần bình tĩnh nói ra cảm xúc của mình.

- Giúp hai người hiểu rằng không nhất thiết phải giải quyết mọi mâu thuẫn, mà thay vào đó là chấp nhận khuyết điểm của nhau

Với quan điểm “tài khoản mối quan hệ”, bạn không cần chia nhỏ và giải quyết từng mâu thuẫn, xung đột. Thực tế, bạn không nhất thiết phải cố xử lý bằng được các mâu thuẫn, và thế là có thể trút bỏ thêm một gánh nặng. Con người hiếm khi thay đổi; họ chỉ có thể tốt lên từng chút một trong quá trình kiểm soát những thiếu sót của bản thân, và hai bạn có thể cùng nhau học cách đối phó với những khuyết điểm đó, nhưng hãy hiểu rằng vấn đề có thể sẽ không bao giờ được giải quyết triệt để.

Nếu bạn cảm thấy khó chấp nhận sự thật này thì cũng không sao cả, nhưng nó không nên là nguyên nhân gây ra những xung đột bất tận. Khi tài khoản mối quan hệ của bạn dương, sự thất vọng vì bạn đời không giống như kỳ vọng của bạn sẽ được thay thế hoàn toàn bằng sự ngưỡng mộ, tôn trọng và yêu mến bởi những điều họ đã làm tốt, và bạn trân trọng điều đó. Nhờ vậy, bạn sẽ vẫn có một cái nhìn tổng thể, biết ơn và lạc quan về cuộc hôn nhân của mình. Dù thế nào đi nữa, hai bạn vẫn yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.

Kết Luận

Khi nhìn nhận mối quan hệ của mình giống như tài khoản ngân hàng, bạn sẽ củng cố những điều tích cực có sẵn thay vì tập trung vào những điều chưa tốt. Khi đó năng lượng tích cực sẽ lấn át tiêu cực, làm giảm ảnh hưởng của sự tiêu cực lên tình yêu và hạnh phúc của bạn.

Vẻ đẹp thật sự của quan điểm "tài khoản mối quan hệ" là nó giúp ta tiến tới một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền chặt mà không cần phải tác động trực tiếp lên cuộc hôn nhân. Thay vào đó, bạn tạo lập một “quỹ” để cả hai đóng góp vào, từ đó “lợi nhuận” sẽ chảy ngược lại vào mối quan hệ của hai người. Và như ta đã thấy, việc đầu tư vào quỹ này thú vị hơn nhiều.

 

(Theo tamlyhoctoipham)

Bình luận

Viết Đánh Giá
C
Nếu đã là bí mật hãy cứ xem là một bí mật vì hạnh phúc không đơn thuần chỉ là một tài khoản ngân hàng
P
Tài khoản ngân hàng quyền lực vậy ta, làm cho ta thay đổi theo nó.