Đăng bởi Marry Doe - 01/05/2019 | Lượt xem: 7111
Tự trang trí bàn thờ gia tiên là một trong những nghi thức được các gia đình đặc biệt chú ý. Việc này còn liên quan đến yếu tố tâm linh do đó chúng ta cần cẩn thận và kỹ lưỡng tuyệt đối.
Nghi thức bài trí bàn thờ gia tiên là điều không thể bỏ qua khi
chuẩn bị đám cưới. Thông thường trên bàn thờ gia tiên, bạn nên chuẩn bị đầy đủ các vật dụng như: Lư đồng, bình hoa tươi, mâm hoa quả…
Cầu kỳ hơn bạn có thể trang trí thêm một cặp rồng phượng bằng hoa quả, dán chữ hỷ đỏ, dăm ba câu đối như “Trăm năm hạnh phúc, bạc đầu nghĩa phu thê”, “Chúc mừng hai họ, trăm năm hạnh phúc”,…
Một trong những tiêu chí quan trọng nhất khi tự trang trí bàn thờ gia tiên ngày cưới chính là sự trang nghiêm và sạch sẽ trong việc bày biện lư đồng, nến hỷ, hoa quả (lẵng hoa quả trái cây kết rồng phượng, lư đồng được đánh bóng sạch sẽ, đủ cặp nến hỷ)... Do đó, bạn cần đặc biệt lưu ý một số nguyên tắc để có thể trang trí bàn thờ gia tiên theo đúng phong tục truyền thống.
Chọn lư đồng, bát hương
Vật dụng vốn có trên bàn thờ gia tiên mỗi ngày chính là lư đồng và bát hương. Phòng tiếp khách của gia đình sẽ là nơi nhà trai tổ chức lễ ăn hỏi, mời họ hàng đến chứng kiến.
Thay vì việc làm lễ gia tiên ở ban thờ của phòng thờ, các gia đình thường bài trí một bàn thờ tượng trưng để mọi người cùng chứng kiến các nghi lễ gia tiên. Mặc dù chỉ là bàn thờ tượng trưng nhưng vẫn được bài trí đầy đủ và trang trọng các loại lễ vật.
Nhang, đèn, nến
Mỗi gia đình sẽ có cách lựa chọn các loại nhang đèn khác nhau, hoặc sử dụng đèn dầu hoặc đèn điện hoặc thắp nến. Tuy nhiên, ở mỗi miền sẽ có một chút khác nhau về việc bày biện.
Ở miền Bắc, trên bàn thờ gia tiên ngày cưới thông thường sẽ có mâm hoa quả, lọ hoa, gà luộc và xôi đỏ. Ở miền Trung thường có thêm cặp nến tơ hồng. Ở miền Nam nhất thiết phải có nến khắc hình long phụng mà đỏ hoặc hồng tùy theo tôn giáo của từng gia đình.
Cặp câu đối, chữ hỷ
Chữ Hỷ và câu đối là hai vật không thể thiếu trong đám cưới người Việt cũng như trong việc trang trí lễ gia tiên. Câu đối và chữ Hỷ không chỉ tạo tính thẩm mỹ cao mà còn đem đến một không gian trang trọng và linh thiêng hơn cho bàn thờ gia tiên ngày cưới.
Chọn hoa cắm bàn thờ gia tiên
Trên bàn thờ gia tiên, dù là vùng miền nào, tôn giáo nào, nhà trai hay nhà gái thì đều cần đến hoa tươi. Lọ hoa đẹp được bày cân đối trên bàn thờ vừa để thể hiện lòng tôn kính của con cháu với tổ tiên, cũng vừa là một yếu tố vô cùng thẩm mỹ cho lễ gia tiên.
Bạn có thể lựa chọn các loại hoa với màu sắc như đỏ, hồng, vàng, trắng tùy theo sở thích. Nhưng nên sử dụng 1-2 loại hoa cho một lọ hoa chứ không cắm thành một lọ hỗn hợp.
Hoa bày trên bàn gia tiên phổ biến là các loại hoa như: Cúc, hồng, sen, lay ơn, lan… Nên chọn hoa có cuống tươi và chưa nở bung để có thể giữ được lâu, cánh không bị rụng. Lưu ý:
- Hoa để bài trí trên bàn thờ gia tiên sẽ thường được cắm thành 2 bình đối xứng, số lượng của cành hoa trong mỗi bình nên là số chẵn mang ý nghĩa may mắn trong cuộc sống sau này “có cặp có đôi”, “xứng lứa vừa đôi”.
- Khi đặt hoa lên bàn thờ bạn cũng cần chú ý đặt vị trí của lọ hoa sao cho cân xứng với hai bên, không để bình hoa quá to, che khuất tầm mắt và các đồ cúng trên bàn khác.
- Không chọn các loài hoa với ý nghĩa buồn, chia ly như: cúc vạn thọ, ly trắng, phù dung, dâm bụt, lài…
Chọn trái cây chưng bàn thờ
Theo quan niệm xưa,
trái cây chưng ngày cưới thường là 5 loại quả dựa theo ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Đồng thời, còn là lời chúc Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh đến với cuộc sống của đôi uyên ương sau này.
Loại quả trong mâm ngũ quả thường là: thanh long (rồng mây hội tụ), nho (đa lộc đa phúc, cháu con đầy nhà), mãng cầu (mọi điều như ý), táo đỏ (cứng rắn, mạnh mẽ, thăng tiến), xoài cát (tiêu xài thoải mái, không thiếu thốn).
Nhìn chung, lễ gia tiên ngày hỏi khá quan trọng và lễ vật cũng cần được chuẩn bị chu đáo. Mỗi vùng miền lại có cách tự trang trí bàn thờ gia tiên ngày cưới khác nhau nhưng cùng chung ý nghĩa là tỏ lòng thành kính tới tổ tiên để cầu may mắn, hạnh phúc cho cuộc sống sau này của đôi trẻ.