Thanh toán

Của hồi môn, tiền mừng đám cưới là tài sản chung hay riêng?

Đăng bởi Thuận Huỳnh - 12/10/2021   |   Lượt xem: 4875

Trong ngày cưới, các cô dâu thường được bố mẹ hai bên tặng cho một số tài sản như vàng, tiền... mà dân gian thường gọi là “của hồi môn”. Vàng, tiền mừng đám cưới ai giữ, chia như thế nào được xem là vấn đề “tế nhị” mà khiến không ít cặp tân lang tân nương phải đau đầu. Cùng Marry theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!

Ý nghĩa của vàng và tiền mừng đám cưới

Vàng và tiền mừng cưới là một trong những nét văn hóa thú vị và đặc trưng trong lễ cưới của người Việt. Trong đó, tiền mừng cưới dùng để thể hiện sự chúc phúc của các khách mời dành cho cô dâu và chú rể còn vàng cưới được xem như là “của hồi môn” của ông bà, cha mẹ hoặc anh chị em… trong hai bên gia đình muốn trao tặng cho cô dâu và chú rể để xem như là một nguồn “vốn” nhỏ để tiết kiệm và xây dựng tổ ấm của mình trong tương lai.

Vàng cưới và tiền mừng đám cưới này có thể được cô dâu, chú rể dùng để chi tiêu các khoản đã lo trước đó trong đám cưới. Hoặc dùng để mua nhà, mua xe, đầu tư vào kinh doanh buôn bán… hoặc có nhiều cặp đôi họ chọn cách gửi tiết kiệm cho tương lai như làm sổ tiết kiệm gửi ngân hàng để sau này sử dụng khi cần nếu như không cần phải chi trả bất kỳ một khoản tiền nào khác sau lễ cưới.

Vàng, tiền mừng đám cưới ai giữ?

Sau đám cưới, các cặp vợ chồng trẻ đều sẽ nhận được một khoản tiền mừng cưới và vàng cưới nhất định. Đây là tài sản có thể không hề nhỏ do đó cả cô dâu và chú rể nên cần cư xử đúng mực và khéo léo để tránh làm mất lòng nhau cũng như đôi bên gia đình.

Vàng cưới được xem là của hồi môn mà ông bà, cha mẹ, anh chị em… của gia đình 2 bên dành tặng cho cô dâu và chú rể. Vàng cưới có thể là nhẫn, lắc tay, dây chuyền, kiềng vàng… tùy thuộc vào từng điều kiện kinh tế mỗi gia đình mà cô dâu chú rể có thể còn được nhận thêm nhà cửa, đất đai và xe cộ… Sau ngày cưới, vàng cưới hoặc những món quà này sẽ được coi như của cải làm vốn của đôi uyên ương.

Tuy nhiên, số vàng nhận được sau đám cưới này ai sẽ là người giữ? Cô dâu mới có nên dành giữ hay trao hết cho gia đình nhà chồng. Mặc dù với quan điểm sống ngày càng hiện đại hơn, nhiều gia đình đặc biệt là các bà mẹ chồng đã không còn quá quan trọng vào của hồi môn sau đám cưới của đôi trẻ nữa.

Của hồi môn của cô dâu thì là tài sản chung hay riêng?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (sau đây gọi chung là Luật HNGĐ), tài sản chung vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra; thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản do vợ, chồng được thừa kế chung hoặc tặng cho chung…

Trong khi đó, Điều 43 Luật HNGĐ lại quy định, tài sản riêng của vợ chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật; tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng,…

Thời kì hôn nhân được tính bắt đầu từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân (quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật HNGĐ). Các cặp đôi thường đăng ký kết hôn trước ngày tổ chức đám cưới. Do đó trong trường hợp này, của hồi môn được xác định là tài sản phát sinh trong thời kì hôn nhân.

Đồng thời, khi trao quà, bố mẹ thường không nói rõ là tặng riêng cô dâu hay tặng cho cả hai vợ chồng. Bởi vậy, trường hợp này không có căn cứ rõ ràng chứng minh là tặng riêng người vợ. Theo khoản 3 Điều 33 Luật HNGĐ, trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Nói tóm lại, của hồi môn sẽ là tài sản riêng nếu người vợ có căn cứ chứng minh tài sản đó là bố mẹ tặng cho riêng. Nếu không chứng minh được thì tài sản này sẽ là tài sản chung vợ chồng.

Ly hôn, “của hồi môn” được xử lý ra sao? 

Của hồi môn được tặng đa phần có giá trị lớn nên khi ly hôn, việc phân chia tài sản này thường xảy ra tranh chấp.

Tại Điều 59 Luật HNGĐ, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của hai bên khi giải quyết tài sản trong đó có việc phân chia tài sản chung vợ chồng. Bên cạnh đó, tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung.

Trong trường hợp nếu không thể thống nhất về phân chia tài sản, tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như: hoàn cảnh của gia đình vợ, chồng; công sức đóng góp; lỗi trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng…

Từ những phân tích trên, có thể thấy, nếu người vợ chứng minh được của hồi môn là bố mẹ tặng riêng mình, thì đây là tài sản riêng nên khi ly hôn sẽ thuộc sở hữu riêng của người vợ. Trong trường hợp không chứng minh được điều này, của hồi môn được coi là tài sản chung vợ chồng. Khi ly hôn sẽ giải quyết theo quy định pháp luật về tài sản chung.

Nguồn: Luật Việt Nam