Đăng bởi Marry Doe - 29/06/2020 | Lượt xem: 1988
Đã bao giờ mọi người tự hỏi mình và hỏi người khác "Vì đâu mà con người yêu nhau? Vì sao một số mối tình thì lâu dài trong khi số khác lại chỉ thoáng qua?" Chúng ta thường hay hỏi đối phương rằng "Vì sao anh yêu em?", "Em thích anh ở điểm gì?" và sẽ nhận được những câu trả lời là "Anh thích em vì em là một cô gái tốt, vì em dễ thương,..." hay "Em thích tất những gì thuộc về anh", "Em thích anh vì anh chính là anh",... Và chính bản thân chúng ta khi trả lời như vậy cũng không chắc chắn lắm về điều đấy. Vậy thực sự tình yêu là gì? Và nó được hình thành và tồn tại như thế nào? Ai có thể lý giải tình yêu?
Hôm nay các bạn hãy cùng Marry tìm hiểu xem các nhà tâm lý học và nghiên cứu đã đưa ra những giả thuyết khác nhau nào để lý giải cách tình yêu hình thành và tồn tại nhé!
Tình yêu là một cảm xúc cơ bản của con người, tuy nhiên để hiểu được vì sao và bằng cách nào tình yêu xuất hiện thì có lẽ vẫn là một câu hỏi lớn trong lòng nhiều người. Trong một thời gian dài, người ta cho rằng tình yêu là điều quá nguyên sơ, bí ẩn và thiêng liêng mà khoa học không bao giờ có thể hoàn toàn lý giải được.
Sau đây là 4 cách tâm lý học giải thích về tình yêu và các mối liên kết cảm xúc khác của con người.
Yêu và thích
Có rất nhiều bạn trẻ nhầm lẫn giữa "yêu" và "thích". Vậy yêu và thích khác nhau như thế nào?
Tình yêu xuất phát từ 3 yếu tố: sự gắn bó, quan tâm và thân mật, nhà tâm lý học người Mỹ
Zick Rubin nhận định.
Rubin cho rằng có những lúc chúng ta sẽ cảm nhận được sự trân trọng, ngưỡng mộ, quan tâm đặc biệt từ một người nào đó khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ, cảm mến và mong muốn dành nhiều thời gian bên họ. Tuy nhiên, đây chưa chắc là tình yêu mà chỉ dừng lại ở “thích” mà thôi.
Tình yêu thì sâu sắc, nồng nàn hơn, nó không chỉ dừng lại ở sự trân trọng, ngưỡng mộ mà còn có sự khát khao, mong muốn mãnh liệt về sự gần gũi và sự tiếp xúc thể xác. Những người ở mức độ “thích” chỉ đơn giản cảm thấy vui vẻ và thoải mái khi ở bên nhau, trong khi “yêu” thì họ mong muốn được ở bên cạnh nhau và thực sự quan tâm đến nhu cầu của nửa kia như chính bản thân mình.
3 yếu tố tạo nên tình yêu
Gắn bó là nhu cầu được ở bên nhau, chăm sóc cho nhau, được công nhận và kết nối với nửa kia.
Quan tâm là sự lo lắng, suy nghĩ cho đối phương, nó bao gồm cả sự tôn trọng các nhu cầu cũng như hạnh phúc của nửa kia giống như là của bản thân mình.
Thân mật là sự chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc và khát khao với người mình yêu. Luôn mong muốn có thể tâm sự những vui buồn, khó khăn trong cuộc sống và nhận được sự an ủi, động viên từ người kia.
Tình yêu đồng cảm (Compassionate love) và Tình yêu nồng nhiệt (Passionate love)
Các bạn có biết là tình yêu cũng phân ra từng loại? Chắc hẳn đa sốchúng ta khi đọc đến hai loại tình yêu này cũng có một chút thắc mắc đúng không, vì trước giờ chúng ta cứ nghĩ đơn giản yêu là yêu thôi, không biết là tình yêu cũng được phân loại. Tuy nhiên nhà tâm lý học
Elaine Hatfield và các cộng sự đã tiến hành các nghiên cứu và phân ra 2 loại tình yêu cơ bản: “Tình yêu đồng cảm” và “Tình yêu nồng nhiệt”.
“Tình yêu đồng cảm” được biểu thị bởi sự tôn trọng, gắn bó, yêu mến và tin tưởng lẫn nhau, thường phát triển từ sự thấu hiểu và tôn trọng.
“Tình yêu nồng nhiệt” được biểu thị bởi cảm xúc mãnh liệt hơn bao gồm sự hấp dẫn về thể xác, khát khao và ảnh hưởng qua lại. Khi những cảm xúc này được hồi đáp, con người sẽ cảm thấy phấn chấn và mãn nguyện. Nhưng khi những xúc cảm này không được đáp lại, thì tức là bạn đang yêu đơn phương người đó. Những người trẻ chúng ta có lẽ ai cũng đã từng trải qua một vài mối tình đơn phương và hiểu rằng điều đó đau khổ, buồn tủi và tuyệt vọng đến nhường nào. Nhưng tình yêu nếu chỉ dựa vào những khát khao thể xác thôi thì sẽ không thể tồn tại lâu dài được. Hatfield cho rằng “tình yêu nồng nhiệt” chỉ mang tính nhất thời, thường kéo dài từ 6 đến 30 tháng.
2 loại tình yêu cơ bản: “Tình yêu đồng cảm” và “Tình yêu nồng nhiệt”.
“Tình yêu nồng nhiệt”cũng phát triển khi những kỳ vọng về văn hóa tạo điều kiện cho tình yêu, đó là khi gặp được ai đó đồng điệu về tâm hồn và suy nghĩ, chúng ta nhận ra người ấy như là mảnh ghép lý tưởng của mình.
Tình yêu nồng nhiệt khi đến mức lý tưởng sẽ dẫn đến tình yêu đồng cảm, là loại tình yêu bền chặt và sâu sắc hơn. Chúng ta ai cũng sẽ mong muốn sẽ có một mối quan hệ kết hợp giữa sự an toàn ổn định của “tình yêu đồng cảm” và mãnh liệt của “tình yêu nồng nàn” nhưng Hatfield cho rằng điều này rất hiếm.
Bánh xe màu sắc về tình yêu
Năm 1973, tác giả, nhà tâm lý học John Alan Lee đã xuất bản cuốn "The colors of love" (tạm dịch: Các sắc thái của Tình yêu) với nội dung so sánh tình yêu với “bánh xe màu sắc”. Cụ thể, dựa vào 3 màu chính (đỏ, vàng và xanh dương), nhà tâm lý học cho rằng tình yêu cũng có 3 kiểu chính, đó là:
1. Eros: có nghĩa là “đam mê” hay “ái tình” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp. Loại tình yêu này bao gồm cả đam mê vềmặt thể xác lẫn cảm xúc. Và Eros chính là thần tình yêu trong Thần thoại Hy Lạp, giống như Thần Cupid trong thần thoại La Mã.
2. Ludos: có nghĩa là “trò chơi” theo tiếng Hy Lạp. Kiểu tình yêu này là sự hấp dẫn, vui thú chứ không nhất thiết phải nghiêm túc. Những người yêu nhau theo cách này chỉ hướng đến sự thân mật, gần gũi chứ chưa chưa có ý định gắn bó lâu dài.
3. Storge: Bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “tình cảm tự nhiên”. Kiểu tình yêu này tương tự như tình cảm giữa cha mẹ với con cái, anh chị em trong gia đình. Kiểu tình yêu này cũng có thể phát triển từ tình bạn, những người có cùng sở thích, đam mê với nhau.
Tình yêu cũng có 3 kiểu chính và khi 3 kiểu này kết hợp với nhau sẽ có 6 kiểu tình yêu khác nhau
Cũng như các màu sắc chính có thể kết hợp với nhau để tạo ra các màu bổ sung, 3 kiểu tình yêu chính ở trên cũng có thể kết hợp với nhau để tạo ra tổng cộng sáu kiểu tình yêu khác nhau.
3 kiểu tình yêu chính:
- Eros – Yêu một người lý tưởng
- Ludos – Yêu như một trò chơi
- Storge – Yêu như tình bạn
3 kiểu tình yêu sinh ra từ sự kết hợp:
- Mania (Eros + Ludos) – Tình yêu chiếm hữu.
- Pragma (Ludos + Storge) – Tình yêu thực tế, lý trí.
- Agape (Eros + Storge) – Tình yêu không vụ lợi
Giả thuyết về tam giác tình yêu
Giả thuyết “tam giác” được đưa ra bởi nhà tâm lý học Robert Sternberg chỉ rõ rằng tình yêu bao gồm 3 yếu tố: sự thân mật, đam mê, và cam kết.
Các kiểu kết hợp khác nhau giữa 3 yếu tố này sẽ tạo ra các kiểu tình yêu khác nhau. Ví dụ, kết hợp yếu tố thân mật với sự cam kết ta sẽ có tình yêu thương đồng thuận, hay kết hợp đam mê với thân mật sẽ cho ra kiểu tình yêu lãng mạn.
Tình yêu bao gồm 3 yếu tố: sự thân mật, đam mê, và cam kết. "Tình yêu trọn vẹn" được xây dựng dựa trên cơ sở của yếu tố trên
Cũng theo Sternberg, các mối quan hệ được xây dựng từ nền tảng 2 yếu tố trở lên thì luôn bền lâu hơn các mối quan hệ chỉ xuất phát từ 1 yếu tố. Và cụm từ “tình yêu trọn vẹn” được ông dùng để diễn tả kiểu tình yêu được xây dựng trên cơ sở cả ba yếu tố trên. Đây là kiểu tình yêu mãnh liệt, nồng nàn và gắn bó lâu dài nhất, nhưng cũng rất hiếm khi xảy ra.
Trên đây là những lý giải tình yêu của các nhà tâm lý học và nghiên cứu, nó giúp các bạn phần nào hiểu được tình yêu và sự hình thành, tồn tại của tình yêu. Chúc các bạn sẽ có một tình yêu thật đẹp nhé!
Xem thêm: Bí mật tình yêu
Vietcetera