Đăng bởi Marry Doe - 30/01/2019 | Lượt xem: 2635
Món ăn truyền thống ngày Tết mang đậm bản sắc mỗi vùng miền. Món ăn ngày Tết không chỉ đơn thuần là mâm cơm dâng cúng tổ tiên mà còn mang nhiều ý nghĩa quan trọng với người Việt.
Tết là một trong những nét văn hóa độc đáo nhất của Việt Nam, mang một giá trị vô cùng đặc biệt. Và trong những ngày đặc biệt như thế thì mọi thứ đi kèm cũng không thể đơn giản, sơ sài, tất cả phải mang một ý nghĩa tốt đẹp nào đó.
Món ăn truyền thống ngày Tết là một minh chứng cụ thể nhất. Chỉ còn hai tuần nữa là Tết đến, các nàng đã chuẩn bị gì cho mâm cơm đoàn viên của gia đình? Các nàng có thể tham khảo những món ngon sau đây để có một cái Tết sum họp ý nghĩa nhé!
Món ăn truyền thống ngày Tết ở miền Bắc
Bánh chưng bánh giầy
Bánh chưng, bánh giầy là món ăn truyền thống ngày Tết của Bắc Bộ. Bánh chưng được ví như linh hồn của mâm cơm đoàn viên. Hai loại bánh này hình thành trên triết lý vuông tròn, âm dương: Bánh chưng (dương) tượng trưng cho cha, bánh giầy (âm) đại diện cho mẹ.
Sự hiện diện của bánh chưng bánh giầy trong ngày Tết là cách bày tỏ lòng hiếu kính với song thân, hướng về tổ tiên nguồn cội. Chính vì ý nghĩa đó, bánh chưng bánh giầy trở thành món ăn không thể thiếu của ngày Tết miền Bắc.
Thịt đông
Do thời tiết miền Bắc vào những ngày Tết khá lạnh, rất phù hợp để chế biến món thịt đông. Phần thịt trong như thạch thể hiện cho sự an lành, trong trẻo suốt cả một năm mới. Sự hòa quyện, gắn kết tự nhiên giữa các thành phần đẹp như một lời chúc may mắn dành cho người thân trong gia đình hoặc các cặp đôi đang yêu.
Gà luộc
Gà luộc là
món ngon ngày Tết dễ làm, không thể vắng mặt trong danh sách các món ăn truyền thống ngày Tết của người miền Bắc. Gà luộc là món ăn quen thuộc và cơ bản để dâng cúng tổ tiên.
Người miền Bắc thường luộc nguyên con và xem vận mệnh của gia đình qua chân gà. Gà luộc không chỉ đơn thuần là món ăn mà đã trở thành một nét văn hóa đặc biệt trong ngày Tết Bắc Bộ.
Đặc sắc món ăn truyền thống ngày Tết miền Trung
Chả bò
Trong bàn tiệc đãi khách ngày đầu Xuân của người miền Trung thường có vài khoanh chả bò màu đỏ hồng. Món này có đủ vị mặn, ngọt, giòn, dai, cay quyện với mùi thơm nồng đặc trưng của tiêu đen. Màu đỏ hồng tượng trung cho mong muốn may mắn, hạnh phúc trong năm mới của người miền Trung chịu thương chịu khó.
Canh măng khô
Canh măng khô tượng trưng cho sự dẻo dai, bền bỉ của con người miền Trung. Vị béo của thịt heo hòa cùng sợi măng dai dai giòn giòn là hương vị mà ngày Tết miền Trung không thể thiếu.
Đặc biệt canh măng khô còn tượng trưng cho sự mong ước ấm no của người dân nơi đây. Các nàng dâu miền Trung đừng bao giờ bỏ qua món ngon này trong mâm cơm cuối năm cùng gia đình chồng nhé!
Tré
Tré là món ăn xuất phát từ cung đình, là món ăn dành cho bậc vua chúa vương giả khi xưa. Vị ngậy của ba chỉ cùng sụn sần sật của thịt đầu heo tạo nên cảm giác thích thú. Sự hòa quyện giữa chua thanh và ngọt dịu, tính kết dính bền chặt của tré chính là những mong ước về một gia đình khắng khít, hòa thuận trong ngày đầu năm.
Đậm đà món ngon Tết miền Nam
Nhắc đến ẩm thực Tết của miền Nam, người ta sẽ nghĩ ngay đến những món ăn đậm đà, ngọt ngào như con người nơi đây. Các món ăn truyền thống ngày Tết miền Nam luôn gợi cho người ăn những cảm giác lâng lâng khó tả vì sự chân thành, hồn hậu của mảnh đất phương nam.
Thịt kho trứng
Tết là phải nấu xong nồi thịt kho trứng mới gọi là Tết. Thịt kho trứng muốn nấu ngon thì phải đảm bảo những tiêu chuẩn nhất định: Thịt phải cắt miếng vuông to sau đó dùng dây chuối nhỏ cột chặt từng khối để không nát. Ướp thịt và trứng cho thật thấm gia vị rồi mới kho.
Kho thịt phải kho bằng nước dừa tươi và để lửa nhỏ liu riu cho đến khi thịt và trứng chín mềm, thấm vị. Chính vì kỳ công như thế mới thấy được những tâm tư và nguyện vọng mà người miền Nam gửi vào món ăn này nhiều đến mức nào.
Hình vuông của thịt và sự tròn trĩnh vẹn nguyên của trứng chính là mong ước vạn sự thuận lợi, cuộc sống đủ đầy. Miếng thịt thấm nước dừa mềm tan trong miệng chính là nguyện vọng một gia đình ngọt ngào với tình thân trọn vẹn của người Nam Bộ.
Khổ qua nhồi thịt
Người miền Nam cho thấy sự thật thà và bình dị từ chính món ăn truyền thống ngày Tết của họ. Sở dĩ khổ qua nhồi thịt được chọn để trở thành một trong những món quan trọng nhất trong mâm cơm ngày Tết là bởi vì chính cái tên của nó.
“Khổ qua” có nghĩa là những gian khổ sẽ qua đi. “Ăn khổ qua, gian khổ sẽ qua” nghe có vẻ chưa đủ sức thuyết phục, nhưng trên hết việc chọn món khổ qua nhồi thịt trong ngày Tết chính là mong ước giản đơn và bình dị.
Củ kiệu tôm khô
Củ kiệu tôm khô là món dưa chua đặc sản của ngày Tết miền Nam. Giữa vô vàn món ăn nhiều dầu mỡ trong ngày Tết thì củ kiệu tôm khô nổi bậc hơn hẳn vì tính chất thanh đạm.
Củ kiệu ngâm chua ngọt và tôm khô mằn mặn giúp cân bằng khẩu vị cho người ăn. Ngoài ra màu sắc bắt mắt và hài hòa giữ tôm khô và củ kiệu chính là hy vọng về một năm mới tài lộc đầy nhà thăng quan tiến chức.
Bánh tét
Nếu miền Bắc có bánh chưng là món ăn truyền thống ngày Tết thì bánh tét chính là nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người miền Nam. Bánh tét là món ăn cơ bản nhất dịp Xuân về và không ngoa khi nói làm bánh tét là cả một nghệ thuật. Bánh tét rất phong phú từ nguyên liệu cho đến hình thái, màu sắc.
Người miền Nam có thể làm bánh tét với nhiều cách khác nhau: Bánh đơn giản chỉ với nếp, đậu và thịt mỡ hoặc chiếc bánh tinh xảo có hoa ngũ sắc, đặc biệt hơn là bánh tét chữ với ngàn câu chúc ý nghĩa.
Bánh tét trước dùng để dâng cúng gia tiên, sau là bày tỏ mong muốn một năm mới như ý, thuận buồm xuôi gió của những người con đất phương nam hiền hòa. Không có một thức quà nào giá trị hơn những khoanh bánh thấm đượm tình cảm của con cháu gửi đến ông bà tổ tiên vào dịp Xuân về.
Đặc sản bánh Tét lá cẩm
Cuộc sống hiện đại ngày nay đã thưa dần những buổi chuẩn bị cho mâm cơm Tết rộn rã. Thay vào đó, các món ăn làm sẵn, đồ đóng hộp được lựa chọn nhiều hơn. Tuy nhiên mâm cơm ngày Tết vẫn là nét văn hóa luôn được gìn giữ. Mỗi miền có những món ăn đặc trưng khác nhau và mỗi món ăn đều chứa đựng những ý nghĩa, ước mong về một cuộc sống đủ đầy hơn.
Quốc hồn quốc túy của người Việt nằm ở những món ăn truyền thống ngày Tết. Cách thức và tình cảm của chúng ta đặt vào mỗi món ăn đó chính là linh hồn của ngày Tết Việt.