Đăng bởi Marry Doe - 12/12/2019 | Lượt xem: 1143
Vỡ tử cung khi mang thai là tai biến sản khoa nguy hiểm thường gặp ở sản phụ. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể gây tử vong cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, tai biến này hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
Những dấu hiệu nhận biết vỡ tử cung mẹ bầu cần lưu ý
Vỡ tử cung khi mang thai là tai biến sản khoa nguy hiểm thường gặp ở sản phụ. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể gây tử vong cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, tai biến này hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
Vỡ tử cung là gì?
Vỡ tử cung là tình trạng tử cung bị xé rách từ niêm mạc qua lớp cơ. Nếu rách đến cả phúc mạc làm buồng tử cung thông với ổ bụng là vỡ tử cung hoàn toàn. Nếu lớp phúc mạc còn nguyên thì là vỡ tử cung không hoàn toàn. Tai biến tổn thương đến cả bàng quang hoặc đường tiêu hóa là phức tạp.
Tai biến có thể xảy ra khi mang thai hoặc trong giai đoạn chuyển dạ. Nguy cơ cao nhất rơi vào 3 tháng cuối thai kỳ và khi chuyển dạ, đặc biệt những mẹ đã có vết mổ cũ ở tử cung.
Nguyên nhân gây ra
Nguyên nhân gây vỡ tử cung được chia thành 3 nhóm: do mẹ, do thai nhi và do bác sĩ
Nguyên nhân vỡ tử cung từ mẹ
-
Do khung chậu méo, hẹp hay bất thường
-
Tình trạng tử cung dị dạng, kém phát triển hoặc tử cung đôi
-
Sẹo ở tử cung do phẫu thuật về phụ khoa hoặc do tiền sử sản khoa như mổ lấy thai cũ hoặc tổn thương lớp cơ tử cung khi bóc nhau nhân tạo hay nạo phá thai gây ra
-
Cơn co tử cung cường tính
-
Các khối u tiền đạo của người mẹ như u nang buồng trứng, u xơ tử cung, u tiểu khung hay âm đạo ngăn cách không cho thai xuống
-
Mẹ đẻ nhiều lần hoặc suy dinh dưỡng là nguyên nhân làm chất lượng cơ tử cung kém
Nguyên nhân do thai nhi
-
Thai to toàn phần hay từng phần
-
Thai bị dị dạng, dính nhau hay não úng thủy
-
Do các ngôi bất thường của thai (ngôi ngược, ngôi ngang), kiểu thế bất thường hoặc cúi không tốt
Nguyên nhân do bác sĩ
-
Các can thiệp thủ thuật đường dưới trong cuộc đẻ làm rách cổ tử cung kéo lên đoạn dưới
-
Các thủ thuật không đúng chỉ định và được làm không đúng kỹ thuật như forceps, giác hút, xoay thai
-
Làm các thủ thuật quá thô bạo
-
Dùng Oxytocin (thuốc tăng co) không đúng
Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ vỡ tử cung ở mẹ bầu
Dấu hiệu vỡ tử cung mẹ mang thai các tháng cuối cần lưu ý:
-
Cảm nhận cơn co tử cung có tốc độ nhanh, mạnh hơn hẳn và khiến mẹ cực kỳ đau đớn.
-
Khi mẹ thấy đáy tử cung đột ngột cao dần lên so với rốn.
-
Tử cung có chỗ thắt lại tương tự hình quả bầu, ở phía dưới rốn. Điều bất thường này sẽ rõ ràng hơn khi ngày lâm bồn càng đến gần.
Với những dấu hiệu sau khả năng cao là tử cung của mẹ bầu đã vỡ:
-
Các cơn co ở tử cung dồn dập làm mẹ đau đớn xong đột ngột biến mất. Hoặc nếu còn thì chỉ đau nhẹ cho thấy tử cung đã vỡ. Tim thai sẽ đập rất yếu thậm chí mất hẳn khi mẹ sờ thử lên vùng bụng.
-
Các triệu chứng đi kèm như choáng, ra nhiều mồ hôi, lạnh tay chân, tụt huyết áp nhanh… do tử cung bị vỡ làm máu chảy vào ổ bụng của mẹ gây nên.
Các biện pháp điều trị
-
Cần phải mổ cấp cứu ngay khi có dấu hiệu vỡ tử cung. Nếu lâm sàng không xác định rõ có thể mổ thăm dò. Tránh sót trường hợp vỡ tử cung dưới phúc mạc.
-
Thực hiện hồi sức, chống choáng bằng giảm đau, truyền dịch, truyền máu tươi. Mục đích để bù lại khối lượng tuần hoàn và điện giải. Nâng huyết áp tối đa của bệnh nhân lên 90-100 mmHg mới được mổ.
-
Tổn thương tử cung được xử trí phụ thuộc vào nhu cầu sinh con, mức độ tổn thương tại tử cung và điều kiện, kinh nghiệm của cơ sở phẫu thuật.
Có thể cân nhắc giữa bảo tồn và cắt tử cung:
-
Bảo tồn tử cung được cân nhắc nếu sản phụ còn nhu cầu sinh con. Đồng thời tổn thương phải sạch, vết thương nhỏ, thời gian vỡ không quá dài. Lúc này có thể cắt lọc và xén gọn vết rách rồi khâu lại.
-
Cắt tử cung được cân nhắc khi sản phụ đã đủ con, vết thương nghiêm trọng, rộng, thời gian vỡ lâu. Lúc này phải cắt tử cung bán phần.
Ngoài ra cần:
-
Lau sạch ổ bụng, dẫn lưu nếu ổ bụng bẩn và nghi ngờ nhiễm khuẩn.
-
Khi mổ chú ý kiểm tra tổn thương kèm theo như ruột và bàng quang.
-
Sau mổ cần dùng kháng sinh liều cao, phối hợp và theo dõi chặt chẽ để phát hiện nhiễm khuẩn.
Cách phòng tránh nguy cơ vỡ tử cung
-
Khám thai định kỳ tại cơ sở Y tế có chuyên môn. Những mẹ bầu có tiền sử đẻ khó phải tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
-
Những trường hợp có nguy cơ cao dẫn đến tai biến như khung chậu hẹp, méo mó, đẻ nhiều lần,… cần được sinh ở bệnh viện có chuyên khoa sản để được can thiệp kịp thời bằng forcep hoặc mổ đẻ tránh nguy cơ vỡ.
-
Nên sinh cách ít nhất từ 2-3 năm nếu sinh mổ để cổ tử cung có thời gian hồi phục. Nếu không, nguy cơ cổ tử cung nhão, gây tai biến là rất cao.
Trên đây là những thông tin về tai biến vỡ tử cung mà mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý. Khách hàng khi có bất cứ thắc mắc gì xin hãy liên hệ ngay hotline 19001806 để được tư vấn và đặt lịch khám cùng các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông .