Đăng bởi Marry Doe - 02/02/2019 | Lượt xem: 5920
Tùy vào văn hóa vùng miền mà mỗi nơi lại có những điều cấm kỵ trong ngày Tết riêng. Nhìn chung, bạn cần lưu ý tránh những việc này trong dịp đầu năm vì chúng được tin là mang lại vận rủi, điềm xấu.
Người phương Đông thường tin rằng, ngày đầu năm mới nếu gặp điều tốt thì sẽ may mắn cả năm và ngược lại. Xuất phát từ quan niệm đó, có không ít những điều cấm kỵ trong ngày Tết vẫn được lưu truyền đến nay.
Không quét nhà vào ngày mồng Một
Ngày Tết chúng ta đã dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón Tết nên ngày đầu năm không cần quét dọn nữa. Xuất phát từ điển tích xưa mà ông bà ta tin rằng nếu quét nhà và đổ rác ra khỏi nhà thì có thể đã đổ đi mất tài lộc, may mắn cả năm.
Không cho nước đầu năm
Nước là cái nôi cho sự sống, là một trong những nguyên tố khởi nguyên của vũ trụ. Người Việt quan niệm nước là nguồn sống, tượng trưng cho sự sinh sôi của vạn vật.
Hình ảnh các chum, vại, bình nước đầy ăm ắp là điềm lành cho một năm may mắn, “tiền vào như nước. Thế nên đầu năm chẳng ai muốn mang cái “lộc” của mình đem cho người khác cả.
Không đi chúc Tết sáng mồng Một
Nói đến điều kiêng kỵ này phải nhắc đến một
phong tục ngày Tết khác là xông đất đầu năm. Với người Việt, việc xông đất có ý nghĩa rất lớn, ảnh hưởng đến cả gia đình trong một năm nên người xông đất rất quan trọng. Để tránh xích mích, hiểu lầm, ngày mùng Một người ta thường chỉ đi thăm họ hàng, người thân.
Không làm đổ vỡ đồ dùng
Chỉ riêng việc đổ vỡ trong ngày thường đã là điềm xấu huống gì ngày Tết. Ông bà ta cho rằng “vỡ,” “bể” đồ vật là điềm báo chia lìa trong các mối quan hệ nên rất kiêng kỵ.
Không vay mượn đầu năm
Ngày đầu năm ai cũng tránh cho vay, đi vay hoặc đòi nợ, trả nợ. Dân gian tin rằng người nào đầu năm đi vay thì cả năm túng thiếu cùng quẫn, ai cho vay thì tiền bạc phân tán, không phát đạt nổi.
Kiêng mua đồ xui
Dân gian lưu truyền câu “
Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, việc mua gì đầu năm rất quan trọng bởi đó là món hàng đầu tiên gia chủ mang về. Hàng mua đầu năm được coi là mua để lấy hên, lấy lộc, bởi “của mua là của được”.
Bởi thế mà việc mua hàng này mang ý nghĩa tâm linh là chính. Đầu năm người ta kiêng mua dao, kéo, chày, cối… vì nghe như báo điềm rủi. Thay vào đó, người Việt thường mua muối vào sáng sớm mùng Một để cả năm được đậm đà, ý vị.
Kiêng ăn món xui
Ngày đầu năm, người ta kỵ những món như thịt vịt, cá mè vì tin rằng đó là món không tốt cho năm mới. Ngoài ra, một số nơi còn không ăn tôm vì sợ… vận mệnh cả năm đi giật lùi như tôm.
Kiêng đánh thức người khác ngày mùng Một Tết
Nếu vào mùng Một đi chúc Tết mà gặp người đang nằm ngủ thì không được đánh thức người đó dậy. Bạn có thể đợi hoặc quay lại vào dịp khác.
Không chỉ khách hàng, ngày mùng Một cả người nhà cũng không nên đánh thức ai. Nếu không, người bị đánh thức xem như có cả năm luôn hối hả vì bị thúc giục.
Kiêng mặc quần áo màu trắng, đen
Trong tâm niệm người xưa, trắng và đen là màu tang lễ, chết chóc, buồn bã. Ngày đầu năm phải mặc trang phục màu sắc rực rỡ: Đỏ, xanh, vàng, tím… để “lên dây cót” cho cả năm.
Kỵ mai táng
Ngày
Tết cổ truyền là ngày vui cả nước, ngày khởi đầu cho cả một năm nên mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Trong ngày này nếu chẳng may nhà có tang sự thì gia đình cũng phải tạm gác mối lo riêng để hòa vào niềm vui chung. Thế nên mới có tục cất khăn tang trong ba ngày Tết.
Trường hợp người thân mất vào 30 tháng Chạp mà hạ táng kịp thì nên làm ngay trong ngày. Nếu việc xảy ra vào mùng Một thì gia đình nên tạm hoãn đến sáng mùng Hai làm lễ phát tang. Nhà có đại tang kiêng không đi chúc Tết. Ngược lại bà con xóm giềng nên đến chúc Tết, an ủi gia đình đó.
Tránh xuất hành mùng 5
Ngày mùng 5 tháng Giêng là ngày nguyệt kỵ, người ta tin rằng ngày này không thích hợp cho xuất hành. Như ca dao từ xưa đã truyền: “
Mồng năm, mười bốn hăm ba. Đi chơi cũng lỗ lọ là đi buôn” (lọ là – nữa là, huống là).
Đây là những điều cấm kỵ trong ngày Tết phổ biến trên cả nước. Ngoài ra, tùy vùng miền mà còn có thêm nhiều điều kiêng khác nhau. Có câu “nhập gia tùy tục” bạn nên tìm hiểu kỹ để tránh chuyện không vui ngay ngày đầu năm.