Đăng bởi Marry Doe - 02/05/2019 | Lượt xem: 1188
Để tránh tâm lý chán nản, mệt mỏi khi phải trở lại với nhịp sống thường nhật sau kỳ nghỉ lễ dài, bạn hãy áp dụng ngay những quy tắc trong bài viết dưới đây.
Chúng ta ai mà chẳng yêu thích những kỳ nghỉ lễ dài ngày. Đó là khoảng thời gian tuyệt vời để ta bỏ lại những bộn bề thường nhật và tận hưởng thời gian nghỉ ngơi, giải trí và thư giãn bên những người yêu thương. Tuy nhiên cũng vì điều này mà việc trở lại với cuộc sống bình thường trở thành một cơn ác mộng với không ít người.
Vì vậy mà không ít người thậm chí nảy sinh tâm lý sợ hãi những kỳ nghỉ. Họ không dám tận hưởng khoảng thời gian quý giá này để hồi phục tinh thần và tái tạo sức lao động, cảm hứng sống cho khoảng thời gian tiếp theo.
Các chuyên gia tâm lý và nhà khoa học hành vi uy tín đã giới thiệu những quy tắc khá đơn giản để chúng ta có thể tránh rơi vào tình trạng trên dễ dàng.
Chuẩn bị thật tốt trước kỳ nghỉ
Nhiều người dùng kỳ nghỉ để giải quyết các công việc tồn đọng. Đây là một ý tưởng không tồi nhưng chưa bao giờ là tốt nhất. Điều này sẽ khiến bạn trở nên mệt mỏi và chán nản hơn khi mang trong mình cảm giác không thoát khỏi công việc mọi lúc mọi nơi.
Thay vào đó, những ngày cận kề ngày lễ, hãy cố gắng tập trung giải quyết các công việc tồn đọng. Bạn hãy viết ra giấy một bản danh sách các nhiệm vụ quan trọng nhất theo thứ tự ưu tiên và giải quyết từng phần.
Để không bối rối khi trở lại nhịp công việc sau kỳ nghỉ, bạn cũng nên lập thêm một danh sách thứ 2 về các công việc sẽ làm sau dịp lễ. Điều này cũng giúp giải phóng tâm trí của bạn cho kỳ nghỉ, đặc biệt là những chuyến đi du lịch xa dài ngày.
Bạn cũng cần cố gắng hạn chế các tác vụ phát sinh bằng việc thông báo với những người xung quanh về kế hoạch nghỉ ngơi của mình. Khi khách hàng, đối tác, đồng nghiệp và cấp trên biết bạn cần nghỉ ngơi, họ sẽ không bắt bạn giải quyết công việc trong dịp lễ.
Tận hưởng thời gian nghỉ ngơi trọn vẹn
Theo tiến sĩ tâm lý kiêm huấn luyện viên phong cách sống Joshua C. Klapow, để có một kỳ nghỉ trọn vẹn, điều quan trọng nhất là phải biết cách ngắt kết nối với công việc cũng như những vấn đề căng thẳng thường nhật.
Vị giáo sư đang công tác tại đại học Autonoma de Barcelona (UAB) đề nghị mỗi người nên vô hiệu hóa tính năng thông báo về công việc trên smartphone, thôi kiểm tra email và dành thời gian cho các hoạt động khác như nghỉ ngơi, du lịch, trò chuyện, đi dạo với người thân…
Nếu không thể ngắt kết nối hoàn toàn với công việc, hãy dành 30 phút buổi sáng sau khi dậy và 30 phút trước khi ngủ mỗi tối để giải quyết các vấn đề này. Còn lại, hãy tận hưởng thời gian nghỉ ngơi mà bạn xứng đáng có được.
Những món ăn ngon cầu kỳ, những bộ phim hấp dẫn, những chuyến du lịch đến các miền đất mới, những phút giây trọn vẹn bên một nửa yêu thương, một ngày dài chỉ nghỉ ngơi, thư giãn mà không phải lo nghĩ… chẳng phải là những điều mà chúng ta từng mơ mà chưa có thời gian thực hiện hay sao?
Trở lại với cuộc sống thường nhật một cách bình tĩnh
Nếu đi du lịch, hãy về sớm hơn 1 ngày trước khi trở lại với công việc. Điều này giúp bạn tránh được tình trạng kẹt xe trong ngày cuối của kỳ nghỉ lễ rất phổ biến ở nước ta. Ngoài ra, ngày cuối này cũng giúp chúng ta chuẩn bị sẵn sàng hơn cho việc trở lại với nhịp sống thường nhật.
Josh Klapow chỉ ra rằng bản thân chúng ta là nguyên nhân gây ra stress nặng nhất sau mỗi kỳ nghỉ. Việc bắt ép mình phải nhanh chóng trở lại với năng suất công việc thông thường khiến chúng ta cảm thấy chán nản, tuyệt vọng và đau khổ.
Ông khuyên rằng mỗi người hãy khởi động trở lại thật bình tĩnh, từ tốn. Thực tế là hầu hết đồng nghiệp, cấp trên, đối tác đều như chúng ta, không thể ngay lập tức tập trung 100% vào công việc sau những ngày du lịch, thư giãn thoải mái.
Đây cũng là lúc bạn sử dụng bản danh sách thứ 2 đã lập ra từ trước ngày nghỉ. Đó sẽ là kim chỉ nam giúp bạn không bị rối trí và sớm trở lại với nhịp công việc hằng ngày.
Với 3 nguyên tắc kể trên, hy vọng bạn cũng như người thân sẽ có một kỳ nghỉ lễ dài lành mạnh, trọn vẹn để tái tạo năng lượng và tinh thần, sẵn sàng chinh phục những mục tiêu tiếp theo trong năm nay.