Thanh toán

Những hiểu lầm về hợp đồng hôn nhân và lợi ích không ngờ đến

Đăng bởi Khổng Lê Bình - 25/07/2022   |   Lượt xem: 1632

Không giống như trong các bộ phim mà chúng ta thường xem, hợp đồng hôn nhân hiện nay là một văn bản có hiệu lực về mặt pháp luật và mang nhiều ý nghĩa tích cực trong mối quan hện hôn nhân giữa hai vợ chồng.

1. Định nghĩa và các quy định pháp luật của hợp đồng hôn nhân

Để định nghĩa một cách dễ hiểu nhất, hợp đồng hôn nhân là loại văn bản pháp lý được sử dụng để xác lập nên các thỏa thuận về các vấn đề trong hôn nhân như kết hôn, ly hôn, chế độ tài sản, quyền, nghĩa vụ của vợ và chồng…

Còn theo pháp luật, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015, hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn theo Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Như vậy, hợp đồng hôn nhân là một loại hợp đồng đặc biệt mà chủ thể là các đôi nam, nữ trước khi chính thức kết hôn thực hiện để thỏa thuận các vấn đề pháp lý như: phân định tài sản chung, riêng, trước, trong và sau hôn nhân hoặc liên quan đến việc một hoặc hai bên muốn chấm dứt hợp đồng hôn nhân, quyền nuôi con và chia tài sản nếu vợ chồng ly hôn…

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề hợp đồng hôn nhân ngoài thỏa thuận về chế độ tài sản trước, trong và sau thời kỳ hôn nhân theo quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Theo khoản 1 Điều 48 của Luật HNGĐ 2014 thì vấn đề tài sản trong thời kỳ hôn nhân bao gồm:
- Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
- Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
- Nội dung khác có liên quan. (Theo luatminhgia.com)

Hợp đồng hôn nhân là văn bản pháp lý chứa các nội dung về thỏa thuận và quy định giữa hai vợ chồngHợp đồng hôn nhân là văn bản pháp lý với nội dung là các thỏa thuận và quy định mà đôi bên lập ra, có hiệu lực từ lúc cả hai chính thức kết hôn

Tóm lược lại, hợp đồng hôn nhân là văn bản có tính pháp luật, trong đó có các nội dung quy định và thỏa thuận giữa vợ và chồng về các vấn đề trong hôn nhân, được xác lập và có chứng thực trước khi kết hôn.

2. Ý nghĩa và lợi ích của hợp đồng hôn nhân

Nhiều người lầm tưởng hợp đồng hôn nhân chỉ để đưa ra các quy định ràng buộc vì các mục đích riêng của một trong hai bên về cuộc hôn nhân, tuy nhiên trên thực tế, việc xác lập nên một bản hợp đồng có hiệu lực pháp lý trước khi kết hôn lại mang nhiều ý nghĩa tích cực và có nhiều lợi ích.

Các quy định và thỏa thuận trong hợp đồng hôn nhân sẽ buộc cặp đôi có trách nhiệm hơn trong cuộc hôn nhân với nửa kia của mình. Các vấn đề về tài chính, tài sản, quyền và nghĩa vụ khi được thỏa thuận trong hợp đồng sẽ cần được tuân theo, tạo nên một nếp sống và một điểm nhìn chung trong hành trình mà cả hai hướng tới.

Ngoài ra các thỏa thuận về tài sản và tài chính gia đình sẽ giúp hạn chế những tranh chấp, bất hòa về vấn đề này. Một yếu tố quan trọng đó là khi làm hợp đồng, cả hai nên ngồi lại với nhau, trao đổi thật kỹ về vấn đề này, xem đâu là những thứ cần rạch ròi, đâu là những thứ không cần quá tính toán, bởi đôi khi trong đời sống vợ chồng, có những lúc hai bên cũng nên san sẻ vấn đề tiền bạc cho nhau, như lúc công việc khó khăn, hoặc một trong hai thất nghiệp chẳng hạn.

Dù không ai muốn nói đến ly hôn khi còn chưa kết hôn, thì việc thỏa thuận về các vấn đề phân chia tài sản, quyền và nghĩa vụ của đôi bên sau khi ly hôn trong hợp đồng hôn nhân là cần thiết. Điều này sẽ đảm bảo được lợi ích và trách nhiệm của cả vợ và chồng khi cuộc hôn nhân chấm dứt.

Với các điều khoản trong đó, hợp đồng hôn nhân vẫn sẽ có hiệu lực ngay cả khi cả hai ly hônVới các nội dung trong đó, hợp đồng hôn nhân vẫn có thể có hiệu lực ngay cả khi hai vợ chồng đã ly hôn

Tại Mỹ, nơi mà các bộ luật về hôn nhân và gia đình công nhận và có các quy định pháp lý riêng biệt dành cho hợp đồng hôn nhân, thì việc các cặp vợ chồng ký kết các thỏa thuận với nhau trước khi kết hôn là rất phổ biến. Điều này nhằm đảm bảo các lợi ích trong và cả sau cuộc hôn nhân cho đôi bên, chẳng hạn như việc chủ nợ sẽ không thể kiện và bắt người còn lại gánh số nợ thay cho người kia nếu một trong hai lâm vào cảnh nợ nần.

3. Khi nào thì nên có hợp đồng hôn nhân

Trong đa số trường hợp, các cặp đôi trước khi kết hôn nên thỏa thuận và lập một hợp đồng hôn nhân bởi phần lớn những ý nghĩa tích cực mà nó mang lại. Ngay từ khi có kế hoạch kết hôn, các cặp đôi đã có thể tính đến việc soạn một hợp đồng dưới sự thảo luận và đồng ý từ đôi bên.

Ngoài ra trong trường hợp một trong hai người cảm thấy sự nghiệp của mình phát triển nhanh hơn và mang về số lượng tài sản nhiều hơn trong lúc đang là vợ chồng, nhưng lại không muốn phần này bị gộp vào tài sản chung của cả hai do các quy định của luật hôn nhân, thì cũng nên lập nên một bản hợp đồng thỏa thuận về điều này.

Bên cạnh đó nếu cặp đôi có những kế hoạch dài hạn bắt đầu từ lúc về chung một nhà, một hợp đồng hôn nhân đúng pháp luật sẽ giúp cả hai có những hoạch định chính xác hơn, có thể đưa ra được những tính toán phù hợp cho tương lai, chẳng hạn như mua nhà, đứng tên vay vốn ngân hàng, v.v.

Cùng ngồi lại để thảo luận các nội dung cho hợp đồng hôn nhân sẽ giúp thấu hiểu đối phương hơnViệc cùng ngồi lại thảo luận nội dung cho hợp đồng hôn nhân cũng sẽ giúp cặp đôi phần nào thấu hiểu nhau hơn

Cặp đôi cũng có thể yên tâm rằng việc lập hợp đồng hôn nhân không chỉ diễn ra một lần duy nhất. Định kỳ hằng năm hoặc bất cứ lúc nào, hai vợ chồng đều có thể cùng nhau ngồi xem lại để chỉnh lý, bổ sung những gì mong muốn, bởi qua quá trình chung sống, sẽ có nhiều thay đổi trong cách nhìn, cách san sẻ giữa cả hai, do đó hợp đồng hôn nhân cũng sẽ có những thứ cần thay đổi cho phù hợp.

4. Kết

Không giống những ý nghĩa tiêu cực mà chúng ta thường nghĩ bao lâu nay, hợp đồng hôn nhân mang lại nhiều giá trị tích cực cho đời sống hôn nhân của đôi vợ chồng. Việc pháp lý hóa một số vấn đề về hôn nhân không làm cho cuộc sống gia đình bị cứng nhắc, mà ngược lại còn giúp đôi bên vững tâm hơn, từ đó có thể toàn tâm toàn ý vun đắp cho gia đình.