Đăng bởi Marry Doe - 29/10/2018 | Lượt xem: 735
Ngày cưới, tuần trăng mật rơi vào kỳ 'đèn đỏ' sẽ khiến cô dâu lo lắng. Do đó, nhiều người thường tìm giải pháp để trì hoãn sự ghé thăm của kỳ kinh.
Sắp tới tôi sẽ tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, tôi rất lo lắng rằng ngày cưới sẽ trùng với kỳ "đèn đỏ". Tôi có chu kỳ kinh nguyệt ổn định từ 28 đến 30 ngày, sức khỏe tốt và mong muốn lùi ngày hành kinh 2-3 ngày so với ngày đại hỷ. Tôi rất mong nhận được sự tư vấn. (Độc giả Huyền)
Ảnh: Shutterstock
Gợi ý:
Chào bạn,
Bình thường, chu kỳ kinh kéo dài khoảng 21-35 ngày, ngày đầu hành kinh (đèn đỏ) là ngày đầu của chu kỳ kinh, kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Và hệ thống giữ cho kỳ kinh nguyệt kéo dài đều đặn là hệ trục tuyến yên - dưới đồi - buồng trứng. Tuyến yên tiết ra một số hormone để điều khiển tuyến dưới đồi, từ đó tuyến dưới đồi tiết ra một số hormone khác để điều khiển buồng trứng, buồng trứng tiết hormone sinh dục để "điều khiển" tử cung. Hệ thống được điều hòa trơn tru sẽ giúp chu kỳ kinh xuất hiện đều.
Vậy mọi bất thường của các cơ quan cũng như các hormone đều sẽ gây ra bất thường về chu kỳ kinh, thậm chí gây nên sự bất thường về hành kinh.
Một số bất thường hay gặp có thể kể đến gồm:
- Tuyến yên: U tuyến yên làm tăng sinh hoặc giảm tiết hormone điều khiển trục dưới đồi.
- Bất thường về tuyến dưới đồi ít gặp.
- Bất thường về buồng trứng: buồng trứng đa nang gây rối loạn phóng noãn, buồng trứng có nang thực thể như nang nước, nang nhầy, u quái... đều làm giảm chất lượng buồng trứng. Một số trường hợp buồng trứng kém sản xuất hormone sinh dục hoặc hormone sinh dục được bổ sung bằng thuốc (thuốc tránh thai khẩn cấp).
- Tử cung: Mang thai là trường hợp hay gặp nhất. Nhưng tình trạng này không phải bất thường vì trong quá trình mang thai bạn sẽ không hành kinh. U xơ tử cung làm rối loạn về ngày hành kinh hoặc chu kỳ kinh như rong kinh, rong huyết. Đối với trường hợp cắt tử cung, cơ thể sẽ không có chu kỳ kinh cũng như ngày hành kinh.
- Việc bạn gặp căng thẳng cũng làm cho chu kỳ kinh bị rối loạn.
Do vậy, nếu bạn muốn thay đổi ngày "đèn đỏ", vậy xét ở các trường hợp bên trên để lựa chọn phương pháp thì chỉ có bổ sung hormone là có vẻ phù hợp. Tuy nhiên, việc sử dụng hormone (thuốc tránh thai khẩn cấp) tiềm ẩn nhiều vấn đề. Đó là làm cho chu kỳ kinh bị rối loạn, có thể không thay đổi được ngày hành kinh, có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như mọc mụn, khô da, mệt mỏi chán ăn...
Bạn nên cân nhắc thật kỹ vấn đề này bởi khi chu kỳ kinh bị rối loạn, rất khó để có thể phục hồi lại được.
Chúc bạn sức khỏe.
BS Duy Quý (Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình)