Thanh toán

2 việc cô dâu mới cần nhớ cho ngày Tết

Đăng bởi Marry Doe - 29/01/2016   |   Lượt xem: 1960

Cái Tết đầu tiên ở nhà chồng bao giờ cũng đem đến nhiều háo hức và áp lực cho các cô dâu mới. Những người vốn tài giỏi, đảm đang nữ công gia chánh có thể không sao nhưng với các "dâu tây" thì lo toan cái Tết chu toàn cũng "toát mồ hôi hột". Dưới đây là một số lưu ý về phong tục tổ chức Tết truyền thống mà các cô dâu mới cần lưu ý để tránh dính "sẹo" ngày đầu năm.

1. Nghi thức cúng lễ truyền thống

Ngày Tết là dịp để sum họp và bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với các vị thần linh, ông bà tổ tiên đã phù hộ cho cả gia đình trong suốt năm qua. Điều này được thể hiện thông qua những mâm cỗ cúng không thể bỏ qua. Tính từ thời điểm này đến Tết, bạn cần có các nghi thức cúng lễ sau:

Cúng tất niên trước Giao thừa: Thông thường, việc cúng tất niên thường được làm vào trưa ngày 30 Tết. Bạn cần chuẩn bị hai mâm cỗ. Một mâm cúng thổ thần đất đai, đặt ở vị trí trước cửa nhà. Mâm kia đặt trước bàn thờ ông bà tổ tiên.

Lễ vật gồm có hoa, quả và mâm cơm mặn, giấy bạc, hai cốc nước trong và hay cây đèn (nến). Những thứ này có thể thay đổi tùy theo thói quen của gia đình chồng, vì vậy, bạn hãy hỏi ý kiến mẹ chồng trước khi quyết định mua sắm.

- Cúng Giao thừa: Từ 11h đêm trở đi, bạn có thể bày mâm lễ vật gồm ngũ quả, hoa, bánh chưng, xôi, gà, mứt... ra trước sân để thực hiện nghi thức cúng Giao thừa.

Sở dĩ có lễ cúng này là do dân gian tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian. Hết năm thì thần nọ bàn giao việc cho thần kia và việc cúng tế để tiễn ông cũ, đón ông mới về.

Cúng ông bà: Thông thường trước Tết, mỗi gia đình đều ra mộ ông bà, người thân để mời mọi người về nhà ăn Tết. Vì thế, trong 3 ngày Tết (từ mùng 1 đến mùng 3), bạn phải sửa soạn bữa cơm sáng, trưa, tối để mời ông bà tổ tiên.

Cúng hóa vàng: Thường diễn ra vào chiều mùng 3 hoặc mùng 4 (hoặc tùy vào cách chọn ngày của mỗi gia đình). Ngày này, bạn chuẩn bị một mâm cơm thịnh soạn để tiễn ông bà tổ tiên sau mấy ngày ăn Tết cùng gia đình.

2. Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết

Ở mỗi miền Bắc-Trung-Nam đều có các điều kiêng kỵ trong dịp năm mới. Các cô dâu mới về nhà chồng bên cạnh việc "nhập gia tùy tục", cũng nên lưu ý không làm những điều dưới đây để tránh bị mang tiếng là "tạo điều xui xẻo".

- Đối với miền Bắc:

Kiêng quét nhà, đổ rác: Trong ba ngày Tết, các gia đình thường không quét nhà vì cho rằng làm thế là quét hết may mắn đi. Vì thế, mọi việc dọn dẹp, làm sạch đồ đạc, nhà cửa phải được hoàn thành trước lúc Giao thừa.

Kiêng cho lửa ngày Tết: Trong ngày mùng một Tết, dù ai đến xin lửa cũng không cho vì lửa màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn. Cho người khác lửa là bỏ đi cái may và rước vận đen về. Ngoài ra, bạn cũng nên để ý về bình ga để tránh ngày Tết đang đun nấu thì "hết lửa", điều này theo quan niệm là ảnh hướng tới may mắn của cả nhà.

Xông nhà: Các gia đình miền Bắc quan niệm rằng những người "nặng vía", không hợp tuổi với chủ nhà đến xông nhà đầu năm thì cả năm nhà đó sẽ kém may mắn. Các cô dâu mới nên lưu ý điều này để tránh làm nhà chồng phật ý.

Tránh nói giông: Không dùng các từ có ý xui xẻo như "Chết rồi!", "Tiêu rồi!" trong ngày đầu năm mới.

Kiêng làm vỡ bát đĩa: Những ngày Tết, hẳn là bạn sẽ phải dọn rửa rất nhiều bát đĩa những hãy cẩn thận hơn chút vì bát đĩa tượng trưng cho gia đình. Nếu bạn làm vỡ bát đĩa, điều đó được coi như điềm báo cho một năm gia đình bất hòa xô xát.

- Đối với miền Trung:

Kiêng ăn tôm: Người miền Trung sợ đi giật lùi như tôm nên trong các mâm cỗ ngày Tết, bạn nên tránh làm các món ăn từ tôm.

Kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt: Người miền Trung cho rằng ăn thịt vịt sẽ gặp xui xẻo nên họ kiêng sử dụng thực phẩm này trong cả tháng Tết.

Kiêng mua quần áo màu trắng, vải trắng suốt tháng Giêng (Âm lịch).

- Đối với miền Nam:

Kiêng để cối xay không có gạo trong nhà: Điều này tượng trưng cho việc thất bát, mất mùa năm tới. Chính vì vậy, người ta thường đổ một ít lúa vào cối xay, ngụ ý cầu mong năm mới lúa gạo đầy tràn.

Không được từ chối bữa ăn: Ngày Tết có lệ ai đến nhà, bất kể giờ giấc nào, gia chủ cũng dọn cỗ, mời uống rượu, ăn bánh. Khách không được từ chối bữa ăn, dù no cũng phải nhấm nháp chút ít.

Về trước giờ Giao thừa: Ai không về kịp xem như cả năm sau người ấy phải bôn ba vì công việc làm ăn.

Sau khi quét dọn phải cất hết chổi: Nếu trong ngày Tết để mất chổi nghĩa là năm đó gia đình sẽ bị trộm vét sạch của cải.

Nguồn: http://www.cuasotinhyeu.vn/tin-tuc/tam-ly/2-viec-co-dau-moi-can-nho-cho-ngay-tet

Bình luận

Viết Đánh Giá

Chưa có bình luận nào