Thanh toán

Của hồi môn về nhà chồng

Đăng bởi Marry Doe - 21/06/2015   |   Lượt xem: 713

Có không ít người nhìn vào của hồi môn của nhà mẹ đẻ cho con gái về nhà chồng để đánh giá nên không có một giới hạn hay số lượng nào chứng tỏ là đủ. Trong khi đó, trên thực tế của hồi môn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện như kinh tế hay quan điểm sống…


Với những gia đình khá giả không sao, còn nếu gia cảnh khó khăn thì việc lo của hồi môn cho con gái là cả một vấn đề. Chẳng thế mà không ít ra đình biết con chuẩn bị lấy chồng đành phải chạy ngược xuôi vay tiền lo của hồi môn cho con. Muốn đẹp mặt gia đình, sợ con gái bị nhà chồng khinh dẻ, sợ con gái tủi thân với bạn bè xung quanh. Đành rằng là nhẹ nhàng hơn vì từ nay con gái có nơi có chốn nhưng để lo một khoản tiền mua của hồi môn cho con khiến nhiều gia đình khốn đốn. Có trường hợp cha mẹ phải cắm cả sổ đỏ để vay tiền lo đám cưới và mua của hồi môn. Đám cưới diễn ra tốt đẹp, rình rang nên mát mặt họ hàng hai bên, con gái cũng hý hửng với món quà kha khá. Nhìn chung cả hai bên đều hài lòng duy chỉ có bố mẹ cô dâu là bận lòng suy nghĩ, cưới xong rồi lãi mẹ đẻ lãi con, lấy đâu ra mà trả tiền ngân hàng hàng tháng. Nhìn chung muốn đẹp mặt con thì nhiều cha mẹ lại bận lòng suy nghĩ.


Ảnh minh họa

Trên thực tế, từ lâu đã có quan niệm rằng nếu không có của hồi môn về nhà chồng cô dâu sẽ bị nhà chồng khinh. Mặc dù biết được điều đó nhưng không ít cô dâu bị sốc sau đám cuới vì ánh nhìn thành kiến của họ hàng nhà chồng. Có những gia đình điều kiện kinh tế eo hẹp, lo được mâm cỗ mời họ hàng bà con trong làng đã là quá sức nên không thể thêm khoản hồi môn cho con gái nữa. Có bố mẹ gọi cả con gái và con rể tương lai nói thẳng điều đó, có người hiểu và cảm thông khi họ lấy nhau vì tình yêu chứ không màng chút vật chất gì. Chú rể hiểu và nói cho gia đình nhà chồng thông cảm cho điều đó, cô dâu cũng hiểu gia cảnh nhà mình nên không dám đòi hỏi gì hơn. Nhưng sự việc đâu chỉ diễn ra trong khung gian nhỏ hẹp ít người như thế. Khi lễ cưới đang đến “độ cao trào”, thông thường màn trao của hồi môn cho con gái diễn ra. Họ hàng nhà trai chăm chú theo dõi thì mãi chưa thấy gì. Rồi những tiếng xì xào qua lại, những cái bĩu môi dài thượt rằng nhà ấy cho con về nhà chồng mà đi “tay không”. Dù cô dâu đã chuẩn bị được tâm lý từ trước vậy mà vẫn không tránh khỏi cảm giác tủi thân vì bị họ hàng khinh thường. 

Nếu không có của hồi môn thì con gái sẽ chịu cảm giác nặng nề, khinh thường của họ hàng nhà chồng. Nhưng nếu cho nhiều quá, cô dâu cũng không tránh được ánh mắt nhòm ngó, xăm soi.

Có nhiều gia đình chỉ có một cô con gái hoặc gia đình khá giả, cha mẹ thương, muốn con gái mát mặt với bạn bè xung quanh nên sắm đủ bộ các thứ vàng ròng lấp lánh, nào nhẫn, hoa tai, lắc tay, kiềng cổ… Lễ cưới diễn ra lộng lẫy, mẹ cô dâu mang tất cả những thứ đó đeo vào người con gái. Không chỉ có thế, bố cô dâu, rồi bà nội, bà ngoại, họ hàng cũng “lũ lượt” lên trao của hồi môn và chúc mừng vợ chồng trẻ.



Hoành tráng là thế, “mát mặt” là thế nhưng có không ít người bàn tán rằng cô dâu chắc “khổ” thêm vài cân nữa. Vui vẻ chưa thấy đâu đã thấy phiền phức mà bố mẹ mang đến với họ. Vẻ hào nhoáng đó đâu sánh bằng nỗi phiền hà cô dâu phải chịu. Nhà chồng nhiều anh em có tính xấu đã gửi thấy mùi tiền và lục đục đi vay dần ngay khi cô dâu chưa kịp tháo gỡ những thứ đó ra để cất đi. Vừa nể, vừa ngại nhưng có lẽ bực tức là nhiều vì cái tính “đánh hơi” tiền nhanh của những người xung quanh hay cái tính “đào mỏ” của họ. Rồi lẽ ra hạnh phúc đến trong tầm tay thì nhiều đôi vợ chồng sinh ra cãi vã, giận dỗi, không đâu vào đâu cả, có nên cho vay hay không là cả vấn đề phức tạp. Thế mới biết nhiều của hồi môn đâu phải là sướng. 

Vậy bao nhiêu của hồi môn là đủ, vừa không “mất mặt” vừa khỏi bị nhòm ngó? Thừa nhận rằng, trao của hồi môn là một nét đẹp có từ lâu trong đám cưới người Việt. Đến nay, khi đời sống vật chất đã phát triển hơn, tập tục này vẫn được duy trì và phát huy. Tuy nhiên, đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Thiết nghĩ hay coi của hồi môn là món đồ trang sức, đồ kỷ niệm mà cha mẹ tặng con gái trước khi về nhà chồng và nâng niu, gìn giữ. Chúng không thể làm nên được hạnh phúc gia đình, không đảm bảo cho bạn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nó chỉ thực sự ý nghĩa khi tạo được sự thoải mái cho cả người cho và người nhận. Hãy xuất phát từ chính khả năng tài chính để nó trở thành một nét đẹp trong văn hóa cưới xin của người Việt và trong mỗi gia đình. 


Phương Linh

Bình luận

Viết Đánh Giá
T
của hồi môn thì mình gửi mẹ chồng rùi, gửi mẹ nào cũng đc ah