Thanh toán

Lễ lại mặt- Lạ mà quen

Đăng bởi Marry Doe - 16/09/2016   |   Lượt xem: 749

Sau đám cưới, theo phong tục truyền thống của người Việt Nam xưa nay, cô dâu và chú rể cùng nhau quay về nhà gái để cô dâu thăm lại ba mẹ mình - phong tục ấy thường được gọi là lễ lại mặt, nhưng dường như cái tên này dần dần nên xa lạ với các bạn trẻ trong đám cưới ngày nay.

LỄ LẠI MẶT - LẠ MÀ QUEN.

Lễ lại mặt là gì?

Lễ lại mặt còn có tên gọi khác là lễ nhị hỷ hoặc tứ hỷ, vì các gia đình gia giáo xưa thường tiến hành vào ngày thứ hai hoặc thứ tư sau ngày cưới. Khi nàng dâu về nhà chồng những ngày đầu sẽ có chút bỡ ngỡ và nhớ nhà, ý nghĩa của lễ này là để nàng dâu có dịp quay về thăm lại ba mẹ, cũng như ba mẹ của cô dâu sẽ nhân dịp con mình quay về mà nhắc nhở làm tròn đạo hiếu khi từ nay còn có thêm ba mẹ chồng, để cô dâu nhớ và ý thức hơn trách nhiệm mới của mình.

Mục đích của lễ lại mặt

Lễ này cũng giúp thắt chặt tình thông gia hơn khi ngày cưới, mẹ của cô dâu không được đi rước dâu (theo phong tục xưa) thì sau lễ lại mặt, mẹ cô dâu được chính thức sang nhà chú rể để từ đó hai bên gia đình thông gia có dịp gặp mặt, thăm hỏi nhau thường xuyên. Đây cũng là thời điểm chú rể lần đầu ra mắt ba mẹ vợ với cương vị là con rể của gia đình (vì từ sau ngày cưới cô dâu chú rể chỉ ở bên nhà chồng chứ chưa về nhà vợ). Điều đặc biệt là lễ lại mặt này thường chỉ có cô dâu, chú rể, và hai nhà thông gia với nhau. Vì những ý nghĩa đó mà lễ lại mặt đem lại sự ấm cúng và giúp mọi người dần bắt đầu trở nên quen thuộc với nhau hơn, tạo cơ hội để những mối quan hệ mới trong gia đình được gắn bó và kết nối.

LỄ LẠI MẶT - LẠ MÀ QUEN.

Có nên chọn ngày tốt cho lễ lại mặt

Với những gia đình kỹ tính, lễ lại mặt còn được chọn ngày tốt để cô dâu chú rể về lại nhà vợ chứ không phụ thuộc hoàn toàn là ngày thứ hai hoặc thứ tư sau ngày cưới. Những quà biếu cũng khá cầu kỳ như lễ dạm hỏi, thường bao gồm trầu cau, rượu, thịt gà hoặc thịt heo, và xôi. Những món quà biếu ấy sẽ được dâng lên bàn thờ của nhà vợ để bày tỏ lòng hiếu để của hai vợ chồng mới cưới. Tuy nhiên, theo thời gian, những thủ tục rườm rà được giảm bớt nên những lễ lại mặt sau này thường chỉ cần có hoa quả, bánh kẹo để đem biếu là được.

LỄ LẠI MẶT - LẠ MÀ QUEN.

Cô dâu và chú rể cần cùng nhau có mặt trong lễ này vì sự có mặt của hai người thể hiện sự tôn trọng đối với ba mẹ của hai bên gia đình cũng như mang trọn vẹn ý nghĩa của đạo hiếu. Những món quà biếu thường được gia giảm hợp lý tuỳ theo nếp sống của từng gia đình và yêu cầu của hai bên gia đình. Ngày nay, lễ lại mặt thường hiếm xuất hiện sau những đám cưới, một phần lí do vì nhà bên vợ quá xa so với nhà bên chồng nên người lớn thường thông cảm và cho qua. Tuy nhiên đây là một phong tục truyền thống rất đẹp của người Việt Nam, mang ý nghĩa gắn kết gia đình nên nếu có thể, phong tục này nên được chú trọng và giữ gìn.

 

Bình luận

Viết Đánh Giá
P
quê mình, nhà trai mời nhà gái lên chơi
P
bài viết thật ý nghĩa
P
lễ lại mặt rất quan trọng, nối liền tình thông gia
O
Cảm ơn bạn đã chia sẻ bài viết rất hay!
C
Ở quê mình sau khi cưới đúng 3 ngày là cô dâu chú rể quay về nhà mẹ đẻ-lễ lại mặt thực hiện sau 3 ngày khi cưới