Thanh toán

"Mẹ mà lấy chồng lần nữa, thì đừng xem con là con gái của mẹ!"

Đăng bởi Marry Doe - 05/04/2016   |   Lượt xem: 619

Con gái tôi, người mà tôi đã mang nặng đẻ đau và nuôi nấng suốt hơn 20 năm qua, đã gằn từng tiếng với tôi như thế trước khi giận dữ quay lưng bỏ đi. Tôi đứng chết trân giữa nhà, nhìn theo con mà không dám tin con vừa nói những lời nặng nề đó với mình. Đứa con gái mà tôi hết mực thương yêu, chăm bẵm, ngày thường ngoan hiền là thế mà bây giờ trở mặt hỗn hào với mẹ. Hơn 20 năm một mình lẻ bóng chạy vạy nuôi con, những tưởng giờ là lúc hưởng hạnh phúc cho riêng mình nhưng tôi chẳng ngờ…

Con gái tôi, người mà tôi đã mang nặng đẻ đau và nuôi nấng suốt hơn 20 năm qua, đã gằn từng tiếng với tôi như thế trước khi giận dữ quay lưng bỏ đi. Tôi đứng chết trân giữa nhà, nhìn theo con mà không dám tin con vừa nói những lời nặng nề đó với mình. Đứa con gái mà tôi hết mực thương yêu, chăm bẵm, ngày thường ngoan hiền là thế mà bây giờ trở mặt hỗn hào với mẹ. Hơn 20 năm một mình lẻ bóng chạy vạy nuôi con, những tưởng giờ là lúc hưởng hạnh phúc cho riêng mình nhưng tôi chẳng ngờ…

Hơn 20 năm trước, chồng tôi mất trong một tai nạn giao thông, để lại cho tôi một nách ba con nhỏ. Đứa lớn nhất mới lên 4, đứa nhỏ nhất còn đang ẵm ngửa. Ngày chồng mất, tôi như người điên gào thét bên quan tài anh. Nhiều lần tôi định ôm các con cùng chết theo chồng nhưng thương các con còn nhỏ, thương cha mẹ già yếu, tôi gắng gượng gạt nỗi đau, một mình gồng gánh gia đình, mong nuôi các con khôn lớn nên người.

Khi chồng mất, tôi đang ở nhà làm nội trợ và có hàng tạp hóa nhỏ trước nhà, bán vài quả trứng, dăm gói mì cho các gia đình cùng xóm. Chồng mất rồi, nguồn thu đó chẳng thấm vào đâu so với tiền chợ của cả nhà bốn miệng ăn. Giữa lúc những đồng tiền cuối cùng sắp cạn và lòng dạ tôi đang rối bời vì chưa biết tính sao thì Tân đến thăm. Anh là bạn học cấp III với chồng tôi, trước giờ vẫn hay ghé qua chơi nhà. Tôi còn nhớ hôm đó là một ngày mưa tầm tã, Tân mang theo 2kg gạo và mấy bộ quần áo mới ghé thăm tôi và các con. Gặp ngay bữa cơm, tôi mời Tân dùng bữa. Nhìn mâm cơm với bát canh lõng bõng và đĩa trứng rán, Tân thở dài rồi bảo: “Em xem sắp xếp nhờ ai trông hộ các con rồi mai qua xưởng anh làm. Chứ vầy làm sao mấy mẹ con sống nổi?”.

Vậy là từ đó tôi trở thành công nhân cắt giấy trong xưởng bao bì của Tân. Xưởng của anh nhỏ, công việc của tôi cũng đơn giản nhưng anh trả lương tôi rất hậu, mỗi dịp Lễ, Tết lại có thưởng thêm. Tôi rất cảm kích sự giúp đỡ của Tân nên luôn cố gắng làm việc chăm chỉ. Ngoài giờ làm, tôi nhận may gia công thêm ở nhà. Nhờ siêng năng lại khéo dành dụm, cuộc sống của tôi và các con dần ổn định. Tôi hài lòng với cuộc sống của mình và thầm cảm ơn người bạn tốt tính của chồng.

Năm năm sau đó, vợ chồng Tân ly hôn vì vợ anh yêu người khác, ôm cả con trai theo. Tân gầy rộc đi trông thấy, anh bỏ ăn bỏ ngủ, đóng kín cửa phòng ngồi đốt thuốc lá và uống rượu cả tuần liền. Công việc ở xưởng bê trễ, đơn hàng hủy liên tục. Sợ xưởng phá sản, gia đình và bạn bè khuyên can, động viên Tân hết lời nhưng anh bỏ ngoài tai. Tôi nhiều lần đập cửa phòng làm việc xin nói chuyện với anh nhưng vô ích. Mãi đến khi tôi vừa đập cửa vừa khóc và nói: “Em là đàn bà. Chồng em chết, em một mình nuôi ba con mà em còn vượt qua được. Chẳng lẽ anh đàn ông lại bỏ cuộc như vậy sao?”, Tân mới chịu mở cửa bước ra. Nhìn tôi nước mắt ràn rụa, Tân cũng bật khóc theo. Sau hôm đó, anh trở lại làm việc bình thường dù ít nói, ít cười hơn trước.

Vì vợ mang con đi xa, Tân nhớ con nên thường sang nhà tôi chơi với lũ trẻ. Khi đó, hai con trai đầu của tôi đang học cấp I, còn bé gái út đang học mẫu giáo. Anh thường dạy hai con trai tôi làm toán và bày trò chơi cho ba anh em. Mỗi khi sang, anh luôn mang quà cho tụi nhỏ, khi con thú bông, khi gói bánh nhỏ… và thường tiện tay sửa giúp tôi cái bóng đèn chập chờn hay đóng lại cái kệ gỗ. Thường anh sẽ ở lại ăn cơm và năm người chúng tôi ngồi quây quần bên nhau như gia đình nhỏ.

Dần dần, chúng tôi yêu nhau lúc nào chẳng biết. Nhưng sợ điều tiếng, sợ dị nghị, chúng tôi giấu kín tình yêu, chỉ dám thỉnh thoảng nắm tay nhau dưới bếp hay trao nhau cái hôn vội trong phòng làm việc của anh. Thỉnh thoảng, bọn trẻ về ngoại nghỉ hè, hai chúng tôi mới có được vài giây phút riêng tư ít ỏi. Tôi hứa với Tân: “Khi nào các con lớn, em sẽ chính thức ở bên cạnh để chăm sóc cho anh”.

Trong suốt những năm yêu nhau thầm lặng đó, Tân luôn ở bên cạnh chở che, động viên, yêu thương và chăm sóc cho tôi hết lòng. Có lần tôi không may bị tai nạn gãy chân, phải nằm nhà cả tháng trời, Tân đã thay tôi đưa đón các đi học, chăm sóc các con. Anh nấu cơm cho tôi ăn, cõng tôi lên xuống cầu thang, chở tôi đến bệnh viện thay băng. Và còn rất nhiều, rất nhiều những việc không tên khác anh lặng thầm làm mà không mảy may so đo, tính toán, chỉ cần tôi hạnh phúc là được. Tôi thầm cảm ơn ông trời đã mang anh đến và xoa dịu những mất mát của mình trong quá khứ.

Thời gian cứ vậy trôi, các con tôi đã khôn lớn và yêu kính Tân như người bác trong nhà. Hai con trai đầu của tôi đã lập gia đình và ra ở riêng, chỉ còn mỗi cô con gái út đang học đại học ở cùng nhà với mẹ. Con gái tôi rất ngoan, chăm học và có hiếu. Tôi vốn dĩ định chờ con gái học xong sẽ công bố với cả nhà chuyện của mình và Tân rồi sẽ chính thức đến với nhau.

Cách đây 2 tuần, con gái tôi đi thực tập ở tỉnh nên Tân sang nhà tôi chơi và ngủ lại. Chẳng ngờ do để quên tài liệu, con gái tôi chạy về nhà lúc nửa đêm và chứng kiến Tân qua đêm ở nhà tôi. Con gái tôi rất sốc vì trước giờ, cháu vẫn xem Tân như anh trai của bố. Mặc cho tôi và Tân giải thích hết lời, cháu vẫn không tin chúng tôi yêu nhau thật lòng mà nhìn chúng tôi như hai người già không biết giữ gìn. Nổi giận trước thái độ của cháu, tôi tuyên bố: “Mẹ sẽ kết hôn với bác Tân và bác sẽ là cha dượng của con”. Con gái tôi há hốc mồm trước những gì mẹ nói và mặc cho tôi ngăn cản, cháu kiên quyết bỏ đi ngay trong đêm.

Những ngày sau đó là những ngày nặng nề của cả gia đình. Con gái tôi làm mọi cách để phản đối ý định tái hôn của mẹ. Cháu bảo: “Mẹ đã sống một mình bao nhiêu năm nay, việc gì phải lấy chồng lần nữa? Mẹ sợ buồn thì con sẽ không lấy chồng, con sẽ ở một mình và chăm sóc mẹ suốt đời”. Nghe con nói mà tôi sững sờ, tôi không hiểu vì sao con lại có suy nghĩ kỳ lạ như vậy. Hai con trai lớn của tôi cũng khuyên bảo em gái hết lời nhưng con bé nhất quyết không nghe. Nó cứng rắn nói: “Nếu mẹ muốn làm con tổn thương suốt đời này, thì mẹ cứ việc lấy bác Tân!”.

Bao nhiêu năm vất vả nuôi con trong cô đơn tủi nhục, tôi cứ tưởng con lớn mình sẽ được tự do tìm hạnh phúc riêng, nào ngờ… Nhìn hai mẹ con tôi căng thẳng, Tân không đành lòng nên đề nghị chia tay. Bao nhiêu năm anh đã chờ tôi, tôi thật không nỡ để anh ra đi như thế. Mà tôi, tôi cũng chưa chắc sẽ chịu đựng nổi nếu mất anh. Nhưng còn con gái tôi, tôi cũng không thể nhìn cháu bỏ ăn bỏ học và hủy hoại cả tương lai vì chuyện của mẹ. Tôi thật quá đau lòng, đứng giữa ngã ba đường mà không biết phải làm sao cho trọn. Lấy chồng lần nữa đối với một người phụ nữ, khó khăn và khổ đau vậy sao?...

 

st

Bình luận

Viết Đánh Giá
C
cũng có thể hai mẹ con chưa hiểu rõ lòng nhau, nói ngồi lại nói chuyện thêm với con gái. Mặc dù cô gái ích kỷ nhưng cũng có thể hiểu được, nên người mẹ nên kiên nhẫn thuyết phục
C
cô gái sống quá ích kỷ, không biết nghĩ cho mẹ
T
Đúng rồi đó ạ.
L
Có nhiều cô con gái sống hơi ích kỷ chỉ biết hạnh phúc bản thân và xem mẹ là vật sở hữu của riêng mình thật đáng buồn