Thanh toán

Những điều cần thống nhất với nhau trước khi cưới

Đăng bởi Marry Doe - 06/05/2015   |   Lượt xem: 1496

Trước khi quyết định gắn kết cuộc đời của mình với một ai đó, có những điều bạn nên cân nhắc kĩ càng và hai người cần trao đổi rõ để có một cuộc hôn nhân hoàn hảo.

1. Nơi ở Ở Việt Nam, sau khi lấy kết hôn, cô dâu sẽ sống cùng gia đình chồng. Nhưng nếu là người thích sự riêng tư, bạn cần thảo luận cụ thể về việc sống chung hay sống riêng với gia đình. Việc này cũng nên được quyết định trước hôn lễ. Đặc biệt khi hai người có những bất đồng trong quan điểm, giả dụ bạn thì muốn mua căn hộ chung cư còn anh ấy lại muốn về ở với cha mẹ cho đến khi hai người có đủ tiền để mua nhà biệt lập.   2. Tài chính Hai bạn quyết định “góp gạo thổi cơm chung” vì thế ví tiền cũng là của chung. Bạn muốn mở tài khoản cùng với anh ấy hay vẫn muốn có quỹ riêng? Đã đến lúc nghĩ đến vấn đề ngân quỹ, đặc biệt là tiền tiết kiệm của hai người. Điều quan trọng nhất là cả hai phải chia sẻ khả năng tài chính một cách cụ thể nhất. Cô dâu chú rể tương lai sẽ khó tạo dựng tương lai tốt đẹp nếu không biết rõ tình hình kinh tế của nhau.   Không có cách nào khác tốt đẹp hơn là nói chuyện cởi mở và vạch ra một kế hoạch tiết kiệm hàng tháng. Chuyện hai bạn sẽ quản lý tiền bạc như thế nào thực sự không phải là vấn đề lớn nhưng rất dễ gây tranh cãi. 3. Vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng Đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm, nếu hai người không cùng tín ngưỡng thì lễ kết hôn sẽ được tổ chức theo phong tục bên nào? Ngay cả khi cùng tín ngưỡng bạn cũng nên nói cho anh ấy biết thói quen sử dụng ngày nghỉ và phong tục của bạn ra sao. Nếu hai bạn không tìm hiểu kĩ về tín ngưỡng của nhau và bàn bạc thống nhất trước khi kết hôn, trục trặc sẽ tìm đến ngay từ khi hôn lễ diễn ra. Khác biệt về tôn giáo chắc chắn sẽ dẫn đến những khác biệt trong nếp sinh hoạt và thậm chí là tư tưởng, mục tiêu sống của hai người. Đó là chưa kể đến những khó khăn hai bạn sẽ gặp phải khi muốn xây dựng mối quan hệ với gia đình đôi bên. 4. Con cái Đây là câu hỏi lớn cho rất nhiều cặp uyên ương trước đám cưới, nhưng không phải ai cũng thẳng thắn thảo luận chuyện này. Nếu hiểu rõ dự định của nhau, hai người mới không cảm thấy "sốc" khi sống chung và cùng tạo nên cuộc sống hạnh phúc.   Cả hai phải cùng nhau thống nhất các vấn đề như có bao nhiêu con và sẽ sinh em bé đầu tiên vào lúc nào? Hai bạn sẽ áp dụng phương pháp nào để dạy con nên người? Nếu hai bạn đã chắc chắn về việc có con, hay thực hiện một cuộc khám sức khỏe sinh sản tổng quát trước khi lên kế hoạch cưới. Có nhiều cuộc hôn nhân đã bị đẩy tới miệng vực vì một trong hai người gặp rắc rối với chức năng sinh sản mà không hề hay biết.Vẫn có những cặp vợ chồng có con cho dù một trong hai người không muốn, nhưng như thế là bất công đối với con trẻ cũng như với chính cuộc hôn nhân của hai người. 5. Công việc Bạn dành bao nhiêu giờ cho công việc hàng tuần? Bạn sẽ bỏ lại sau lưng mọi khó khăn mệt mỏi để về với tổ ấm của mình không? Hãy đặt ra những câu hỏi như vậy cho đối phương cũng như bản thân khi quyết định vào chung kết. Tránh trường hợp sau này, khi mọi áp lực cùng ập tới, hai bạn không có đủ khả năng để vượt qua mọi chuyện cũng như đem lại không khí ấm áp cho gia đình.   6. Mối quan hệ trong gia đình Gia đình" ở đây là để chỉ bố mẹ và các quan hệ họ hàng. Khi kết hôn, hai người sẽ có thêm gia đình, thêm người thân mới, nhưng việc họ ảnh hưởng tới cuộc sống của hai bạn thế nào cũng là điều quan trọng. Nếu chú rể tương lai là con người coi trọng gia đình, thì cô dâu cần quan tâm nhiều hơn tới phụ huynh của chàng để tránh xảy ra những tranh cãi hay giận dỗi không đáng có. Trường hợp cô dâu thích được nói về mẹ mình cả ngày còn anh ấy lại muốn về thăm gia đình chỉ 2-3 lần/năm (trong trường hợp hai người ở riêng). Khi đã kết hôn bạn vẫn muốn giúp đỡ bố mẹ và cô em gái đang đi học, vậy hãy để anh ấy biết ý định và kế hoạch riêng của bạn. Điều này sẽ rất có ích mỗi khi ngày nghỉ đến. Người ta thường nói đến chuyện mẹ chồng - con dâu mà bỏ qua hoàn toàn chuyện bố mẹ vợ - con rể. Trên thực tế, khi nói đến mối quan hệ với gia đình đôi bên thì hai bạn đều có thể gặp phải những rắc rối giống nhau. Nếu không được gia đình ủng hộ thật lòng, cuộc hôn nhân của hai bạn có thành thì cũng khó lòng bền vững. Hoặc ngược lại, có thể gia đình và họ hàng rất mực yêu quý hai bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là họ nên can thiệp sâu vào quan hệ vợ chồng bạn. Vì thế, nếu một trong hai bạn không thể xác lập ranh giới rõ ràng với gia đình bố mẹ và hai bên nội ngoại về những chuyện như tiền bạc, con cái… thì chuyện mâu thuẫn với gia đình chồng/vợ là điều rất dễ xảy ra. 7. Sở thích riêng tư của nhau Đôi khi, việc nói về những điều mình thích ở đối phương sẽ dễ dàng làm cả hai hiểu nhau, đồng thời duy trình những điều tốt đẹp. Sở thích cá nhân là một trong những vấn đề chắc chắn không thể đợi đến sau hôn lễ mới bàn tới. Dù có hợp nhau đến mức nào, bạn và người ấy vẫn là hai cá thể độc lập và có những suy nghĩ khác biệt. Uyên ương nên chia sẻ cụ thể về những điều mà bạn yêu thích để đối phương hiểu cá tính, sở thích của bạn. Không phải ngày nào trong cuộc sống cũng chỉ toàn màu hồng mà sẽ có những ngày khó chịu. Lúc này, việc người bạn đời cư xử ra sao sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm trạng của bạn. Vì vậy để giữ cho cuộc sống luôn vui vẻ, hai người nên trao đổi với nhau về cách hành xử khi người kia bực bội. Ví dụ, nếu chàng muốn ở một mình, bạn nên để chàng có không gian riêng. Hoặc nếu bạn thích được dỗ dành khi tâm trạng rất tệ thì cũng nên nói với người yêu để chàng biết cách "ứng biến", làm bạn vui hơn. Có thể bạn thích tận dụng ngày nghỉ để nghỉ ngơi, ngủ nướng nhưng người ấy lại muốn ra ngoài hít thở khí trời. Có thể bạn thích và muốn nuôi một con mèo nhưng người ấy lại không chịu nổi những sợi lông dính trên sofa phòng khách… Hãy bàn với nhau về những khác biệt trong sở thích của hai người và tìm cách dung hòa chúng trước khi cưới, bạn sẽ tránh được nhiều cuộc cãi vã vì nguyên nhân vặt vãnh. Mặt khác, phải hiểu rõ thói quen, tật xấu của nhau: Dù đã quen biết nhau trước khi cưới nhưng có thể bạn cũng thực sự hiểu rõ anh/cô ấy có nghiện bia rượu, thuốc lá không, hay có những thói quen gì khác. Vì vậy, bạn hãy hỏi thật kỹ về việc uống bia rượu... của chồng/vợ sắp cưới của bạn. Điều này sẽ cho thấy anh ấy/cô ấy có khả năng bị nghiện chất kích thích hay không mà còn giúp bạn hiểu rõ bạn đời và tránh xảy ra mâu thuẫn về sau khi cả hai cùng chung sống. 8. Mối quan hệ bạn bè Nhiều cặp đôi sau khi cưới thường cắt đứt hết mọi liên lạc với bạn bè của mình để chú tâm thực hiện vai trò và nhiệm vụ của một người vợ/người chồng mới. Đặt biệt là các nàng dâu. Thực tế, bạn bè luôn là những người bạn cần phải có trong cuộc đời mình. Dù là khi bạn bước vào cuộc sống mới thì họ vẫn là những người quan trọng với bạn. Bạn vẫn cần bạn bè để chia sẻ những vấn đề trong cuộc hôn nhân của bạn.   Đối với các chàng thường có nhiều cơ hội thoải mái đi chơi, bù khú với bạn bè thân của mình. Nhưng khi cưới, họ tự nhiên bị mất tự do với bạn bè vì bị vợ mới cưới quản lý quá chặt chẽ. Thực tế, các chàng có thể rất muốn dành nhiều thời gian cho vợ mới cưới của mình. Nhưng họ cũng vẫn cần có thời gian riêng cho các cuộc gặp gỡ giao lưu bạn bè. Bởi thế, là vợ bạn đừng bao giờ mắc sai lầm khi luôn ganh tị về thời gian của chồng mới cưới dành cho bạn bè. Tuy nhiên, hai bạn cần phải thống nhất với nhau trước. Sẽ chẳng có vấn đề gì miễn bạn đảm bảo được công việc gia đình. Chỉ cần thông báo cho anh ấy/cô ấy biết ý định của bạn là được. 9. Tình dục và sự chung thủy Vấn đề này khá nhạy cảm khi mở lời, nhưng nó cũng cực kỳ quan trọng. Vì vậy, không có lý do gì bạn lại chỉ ngồi “suy diễn và phỏng đoán” về sức khỏe tình dục của hai bạn. Nếu bạn hoặc đối phương đang có vấn đề rắc rối về mặt tình dục, bạn không nên kết hôn cho tới khi vấn đề được giải quyết.   Ngoài ra, sự khác biệt trong thói quen, sở thích hay khao khát sex cũng như mọi vấn đề có liên quan, có thể chia rẽ hai bạn. Hãy thổ lộ thật chân thành những suy nghĩ, nhu cầu và mong muốn của bạn. Nhờ thế cả hai mới có được những giây phút tuyệt vời. Tình dục cũng là một vấn đề nhạy cảm, ít khi được bàn bạc công khai nhưng lại rất thiết yếu trong hôn nhân. Vì mỗi người đều có nhu cầu và sở thích về “chuyện ấy” của riêng mình nên việc phải chia sẻ thẳng thắn để hiểu và chấp nhận nhau là tất yếu. Trong thời hiện đại, không thiếu những cặp đôi “ăn cơm trước kẻng” đã ngầm hiểu nhu cầu “yêu” của nhau từ trước khi cưới. Tuy nhiên, hai bạn nên thẳng thắn trao đổi với nhau một lần nữa để tránh mọi mâu thuẫn có thể phát sinh trong tương lai. Đặc biệt, hai bạn cần phải bàn kĩ về việc sinh hoạt vợ chồng khi mang thai và sau khi đã có con. Bên cạnh đó, hai bạn cũng nên đặc câu hỏi về sự thủy chung. Có một số người chấp nhận chuyện vợ hoặc chồng của mình có nhân tình bên ngoài, tuy nhiên hầu hết đều muốn mình là duy nhất đối với người ấy. Nếu người yêu của bạn có quan điểm khác bạn về chuyện như thế nào gọi là chung thủy thì hai bạn hay khoan nghĩ tới hôn nhân, cho tới khi vấn đề này được thảo luận và thống nhất. 10. Mong ước   Ai cũng có một mơ ước để hướng tới, có thể giản dị như muốn sống cùng con cái, nhìn thấy con cái trưởng thành, hay đi du lịch được nhiều nơi, mở được công ty thành công... Hai bên biết được ước mơ của nhau, hai bạn sẽ cùng nhau biến mơ ước đó thành hiện thực

Bình luận

Viết Đánh Giá
N
Quá chuẩn luôn, phải thống nhất với nhau thì sau anfy mới đỡ mâu thuẫn, lấy nhau rồi thì cuộc sống sẽ khác hoàn toàn mà