Thanh toán

VIỆT NAM TRÊN VAI| Những địa điểm "PHƯỢT" vùng cao bậc nhất Việt Nam - Phần 2

Đăng bởi - 08/01/2023   |   Lượt xem: 2882

Tiếp nối cung đường Lào Cai - Hà Giang, hãy theo chân Marry đi đến xứ sở của loài hoa mận trắng Sơn La và vẻ đẹp xứ Mường Trời - Điện Biên, để cảm nhận nhiều hơn về vẻ đẹp của Việt Nam trong hành trình xuyên Đông - Tây Bắc lần này ♥ Hi vọng các bạn sẽ có cho mình thêm những thông tin cho chuyến phiêu lưu cũng như các địa điểm trong mơ không chỉ dành cho bộ hình cưới của mình mà còn là dấu ấn kỷ niệm cho tình yêu trên những chuyến đi của các bạn nha

3. ĐIỆN BIÊN

Những địa điểm tham quan nhất định phải ghé ở Cao Bằng
A Pa Chải 
Theo kinh nghiệm phượt A Pa Chải của dân mê xê dịch thì nên đi vào mùa khô từ tháng 11 - 4. Vào thời điểm này, thời tiết tốt đường sá di chuyển thuận lợi hơn, không bị sạt lở hay trơn trượt...Đặc biệt cuối tháng 8 - đầu tháng 9 và tháng 1 - đầu tháng 2 là thời gian đẹp nhất.
Lưu ý:
Các bạn nên đi kết hợp với các mùa đặc trưng của Tây Bắc để có thể đi được nhiều nơi trong cùng một chuyến đi như: mùa lúa chín (tháng 9), mùa hoa ban nở (tháng 3), mùa dã quỳ (tháng 12), mùa hoa mận (tháng 11). Ngoài ra tháng 11, 12 cũng là thời gian diễn ra lễ hội của người Hà Nhì (giống lễ ăn cơm mới, không xác định thời gian mà tùy thuộc vào từng xã khi việc thu hoạch lúa đã xong xuôi).

Cực Tây Tổ Quốc - A Pa Chải |Nguồn ảnh: Internet

Nếu xuất phát từ Lào Cai, các bạn có thể di chuyển bằng xe máy theo lộ trình
Sa Pa → Ô Quy Hồ → Tam Đường → Phong Thổ → đi theo Tỉnh lộ 12 → Sìn Hồ →Mường Lay → Mường Chà → Mường Nhé → A Pa Chải. 
Còn nếu xuất phát từ Điện Biên Phủ, các bạn di chuyển đến Thị xã Mường Nhé 200km. Trên cung đường này, đi xuyên rừng hoa Trẩu Trắng, sau đó từ Xã Sín Thầu đến Đồn Biên Phòng 317 để xin phép lên cột mốc A Pa Chải. 
Những điều cần lưu ý khi đến Cực Tây A Pa Chải:

  • Đoạn đường từ Điện Biên đến Mường Nhé là đường đèo nên chạy xe cẩn thận. Thời gian để đi từ Điện Biên đến Mường Nhé mất khoảng 6h (180km).
  • Đoạn đường từ Mường Nhé đến cột mốc số 0 leo Apachai mất khoảng 2h (50km) đoạn đường khá xấu.
  • Nên thuê xe tại Điện Biên nếu Bạn muốn chinh phục cực tây Apachai bằng xe máy vì Mường Nhé khá nhỏ và khó tìm được chỗ thuê xe máy. Ngoài ra Bạn cũng có thể thuê xe Bus đi từ Điện Biên đến đồn biên phòng 317. Nhưng nếu đi bằng xe Bus tại đồn biên phòng bạn phải đi bộ khoảng 10Km để lên đến nơi leo Apachai.

Đường từ Đồn biên phòng A Pa Chải đến điểm cực tây Tổ quốc dài khoảng 11 km, trong đó khoảng 7 km đã được đổ bê tông và 4 km đường đất. | Nguồn ảnh: Internet 

Trang phục cần chuẩn bị:

  • Nên mang theo 1 đôi giày bộ đội (hoặc giày dành cho việc leo núi) tránh sử dụng các loại không phù hợp như giày da, giày búp bê (với các bạn nữ). Đối với nam bạn nào đi được dép tổ ong thì cứ dùng.
  • Mặc quần áo dài, đeo khẩu trang và dùng khăn rằn quấn cổ khi đi qua đồi cỏ gianh, tránh việc bị cỏ cứa vào chân, tay gây chảy máu và bị vắt bám vào người.
  • Mang theo 1 áo mưa mỏng dạng áo để khoác trong trường hợp trời mưa và khi đi xuyên rừng để tránh bị ngấm lạnh.
  • Khi vào tới Mường Nhé thì nhớ mua nước mang theo, mua tại Trung tâm huyện bao giờ cũng dễ hơn so với việc vào trong xã mới tìm mua. Leo mốc 0 khá mệt và mất nước nên cứ tính bình quân mỗi thành viên 1 chai 1,5 lít. Nếu được thì chuẩn bị trước 1 ít đường Gluco hòa vào nước để uống cùng, đường Gluco có tác dụng chống mỏi cơ khi leo.

Về giấy tờ thủ tục:

  • Mang đầy đủ CMND, Hộ chiếu hoặc giấy tờ xác nhận nhân thân khi xin phép leo Apachai.
  • Khi lên tới Điện Biên thì vào Bộ chỉ huy BP Tỉnh để xin phép nhất là đi vào những dịp nhạy cảm như 30-4, 2-9... bạn nào có những mối quan hệ sẵn với bên BP rồi thì có thể bỏ qua bước này.
  • Du khách là người nước ngoài đang công tác tại các cơ quan Trung ương, khi vào khu vực biên giới phải có giấy phép do Bộ Công an cấp.
  • Đối với du khách là người nước ngoài đang tạm trú tại địa phương khi vào khu vực biên giới phải có giấy phép do công an cấp tỉnh nơi tạm trú cấp.
  • Trước khi đến cột mốc số 0 để leo Apachai, Bạn phải ghé đồn biên phòng 317 (Cách cột mốc số 0 khoảng 4km) để xin phép, và sẽ phải có bộ đội dẫn đoàn để được phép leo Apachai, chi phí cho một đoàn khi leo Apachai là 400K.
  • Liên hệ với Đồn 317 trước ngày lên để nhờ các anh chuẩn bị đồ ăn, nếu ngày bạn vào đến Mường Nhé muộn quá (sau 20h) thì chủ động mua thức ăn từ ngoài huyện mang vào và tự nấu.

Cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc lúc hoàng hôn nhìn từ Cực Tây Tổ Quốc - A Pa Chải| Nguồn ảnh: Internet 

Đèo Pha Đin (Phạ Đin)
Đèo có độ dài 32 km, độ cao 1.648m, là một trong “tứ đại đỉnh đèo” vùng Tây Bắc.Điểm khởi đầu của đèo cách Thành phố Sơn La về phía Tây 66 km còn điểm cuối của đèo cách Thành phố Điện Biên Phủ khoảng 84 km. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống bạn sẽ thấy thung lũng Mường Quài.

Thiên nhiên hùng vĩ ở Đỉnh đèo Pha Đin | Nguồn ảnh: Internet

Đèo còn có tên gọi là Phạ Đin, theo ngôn ngữ của dân tộc Thái thì Phạ là trời, Đin là đất - Phạ Đin là nơi trời và đất gặp nhau. Khi lên đến gần đỉnh đèo thì hầu như không còn nhìn thấy bản làng nào mà chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một.

Đèo Pha Đinh như đang say giấc trong màn sương | Nguồn ảnh: Internet

Cánh đồng Mường Thanh
Từ lâu, câu truyền khẩu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Tây Bắc với ngụ ý xếp hạng các cánh đồng. So với cánh đồng Mường Lò - Yên Bái; cánh đồng Mường Than - Lai Châu; cánh đồng Mường Tấc - Sơn La; cánh đồng Mường Thanh - Điện Biên được đánh giá là rộng lớn nhất.


Thị Trấn Tủa Chùa
Tủa Chùa được ví như một “tiểu Đồng Văn” thu nhỏ. Bởi với địa hình có trên 70% diện tích là núi đá vôi, Tủa Chùa mặc nhiên toát lên vẻ đẹp hút hồn của một cao nguyên với đặc trưng là những lớp đá tai mèo cùng sức sống mãnh liệt hoang sơ vốn có. Để lên được đến Tủa Chùa, phải vượt qua quãng đường vượt núi, vượt dốc, băng qua vực sâu, những con đèo uốn lượn dài hàng chục cây số.

Vẻ đẹp nên thơ vốn có của Tủa Chùa | Nguồn ảnh: Internet

Ngoài ra, khi nói đến Tủa Chùa người ta sẽ nhắc ngay đến chợ phiên với những nét độc đáo từ nhiều văn hoá các dân tộc Điện Biên. Theo tìm hiểu của dân mê xê dịch, có 3 phiên chợ thường được tổ chức ở Tủa Chùa: phiên chợ Tả Sìn Thàng (họp vào các ngày Tý và Ngọ); chợ phiên Xá Nhè (họp vào ngày Mão và ngày Dậu), còn chợ phiên tại thị trấn Tủa Chùa họp vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần.

4. Sơn La

Thời điểm lý tưởng để du lịch Sơn La là vào mùa thu và mùa đông, khoảng từ tháng 9 đến tháng 2, đây là lúc Sơn La chìm vào những mùa hoa rực rỡ. Bên cạnh đó, thời tiết vô cùng dịu mát, khô ráo, thích hợp cho những chuyến du lịch khám phá và nghỉ dưỡng. Đặc biệt, những mùa hoa ở Mộc Châu thu hút lượng đông đảo các cặp đôi chụp hình cưới hàng năm. 


Tháng 9: đây là khoảng thời gian diễn ra hoạt động Tết Độc Lập của dân tộc người Mông nên đi vào khoảng thời gian này sẽ vô cùng thích hợp cho những ai muốn tìm hiểu thêm về nền văn hóa Tây Bắc.
Tháng 10: mùa dã quỳ nở rực rỡ nhất vào khoảng thời gian này, rực rỡ sắc vàng dọc theo tuyến đường Quốc lộ 6 và các bản làng.
Tháng 11: đây là thời điểm thích hợp để đi săn ảnh ở Mộc Châu với những bông hoa cải nở trắng rừng.

Mộc Châu mùa hoa mận nở | Nguồn ảnh: Long Moon

Dịp Tết nguyên đán lại là lúc hoa đào, hoa mận nở ngập trời Tây Bắc, sắc hồng, trắng đan xen trên mọi nẻo đường. Ngoài ra, Ngày 26-3 có Lễ hội Hết Chá. Khi bạn lên Sơn La vào khoảng thời gian mùa đông bạn còn có cơ hội được thử cảm giác tắm suối nước nóng, một nét đặc trưng văn hóa của người Thái.

Trên đường đi có rất nhiều bản người Mông nằm sát đường QL6 như khu vực xã Lóng Luông, bạn có thể dừng xe và vào trong bản đi tham quan một chút và nhớ là nên chào trưởng bản trước khi về.

- Tới trung tâm Mộc Châu, bạn đừng quên ghé thăm những địa điểm nổi tiếng quanh khu vực trung tâm như hang Dơi, thác Dải Yếm, vườn hoa lan hay những vườn dâu tây nặng trĩu quả ở khu gần đồi thông bản Áng.

- Tiếp đến là thị trấn nông trường Mộc Châu, Bản Áng, Bản Pa Phách, tại đây lúc nào cũng ngập tràn màu trắng tinh khôi của những cánh đồng hoa cải nối nhau trải dài tít tắp, tạo một không gian bao la, trong lành khiến ta cảm thấy bình yên đến lạ. Hoa cải mọc khắp nơi ở Mộc Châu: từ hai bên đường, trên triền núi cho đến xung quanh nhà.
Thác Dải Yếm
Địa chỉ: Quốc lộ 43, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Nổi bật xinh đẹp giữa vùng cao nguyên Mộc Châu, thác Dải Yếm làm say lòng bao du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt diệu. Cao khoảng 100m, thác Dải Yếm được chia làm 2 phần gồm: Phần trên rộng hơn 70 với “9 bậc tình yêu”, phần thác bên dưới có 5 tầng và cách tầng trên khoảng 200m. Thông thường, vẻ đẹp của thác Dải Yếm bừng sáng nhất trong khoảng độ tháng 4 đến tháng 10, nước đổ xuống trắng xóa từ trên thác, vừa hùng vĩ, vừa nên thơ.

Vẻ đẹp hùng vĩ của thác Dải Yếm |Nguồn ảnh: Internet

Sông Đà
Du lịch Sông Đà là đến với các công trình thế kỷ, khám phá thời kỳ tiền sử của con người qua các di chỉ khảo cổ, đến với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, cảnh núi cao, sông rộng, rừng xanh ngút ngàn, thác đổ, khung cảnh hoang sơ, đến với những con người thật thà, mến khách, nền văn hóa đặc sắc. 

Cảnh sắc nên thơ giữa lòng hồ Sông Đà với cây cầu Pá Uôn bắc ngang | Nguồn ảnh: Internet

Đồi Chè Trái Tim Mộc Châu

Mộc Châu là đất chè, có nhiều nông trường chè rất đẹp. Trong đó, điều thú vị nhất là những đồi chè mang hình trái tim. Từ trung tâm thị trấn Mộc Châu đi lên khu chè cũng không xa lắm. Tuy nhiên, nếu các bạn không tìm hiểu kỹ, có thể các bạn chỉ được người dân chỉ dẫn tới một đồi chè nào đó ở quanh thị trấn để chụp ảnh chứ chưa chắc đã tới được đồi chè có hình trái tim. Mà thực tế có nhiều người dân ở khu thị trấn Mộc Châu cũng chưa từng biết các đồi chè có hình trái tim.

Marry sẽ hướng dẫn sơ bộ cho các bạn hiểu về các đồi chè hình trái tim Xứ Mộc rõ hơn nhé: 

Đồi Chè Trái Tim ở "khu Đài Loan"
Địa chỉ: Bản Ôn, thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Đường đi: Ngã 3 Mộc Châu →Ngã 3 tiểu khu mía đường & xã Tân Lập(đi theo quốc lộ 43)→Ngã 3 đi Tân Lập, Ngũ Động Bản, các bạn rẽ phải đi hơn 10km là đến Đồi chè Đài Loan
Đến Mộc Châu, bạn thể bỏ qua cái tên lãng mạn này: đồi chè trái tim Mộc Châu, hay còn gọi là đồi chè trái tim Đài Loan, do nằm trong khu nông trường liên doanh với Đài Loan. Đồi chè xanh mướt này được tạo hình trái tim, biểu tượng của tình yêu và sức sống mới. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi nơi đây thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và săn ảnh đẹp.

Đồi chè xanh mướt trải dài bất tận | Nguồn ảnh: Đức Kỳ

Lưu ý, không nên đến đây vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3. Đây là lúc bắt đầu mùa vụ mới, chè đã đâm chồi, nảy lộc khi có mưa xuân.
Đồi Chè Ô Long Tân Lập - Mộc Sương
Địa chỉ: Tiểu khu 34, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Đồi chè Tân Lập cách thị trấn cũ 17km và cách đồi chè Đài Loan 7km. Một nơi nổi tiếng không kém Đồi chè trái tim Mộc Châu chính là Đồi chè ô long Mộc Sương, hay còn gọi là Đồi chè Tân Lập. Đây là một đồi chè của gia đình ông Sương, cũng được tạo hình trái tim đẹp mắt. 

Đồi chè trái tim là một trong những địa điểm không thể không nhắc đến khi đến Mộc Châu - Sơn La | Nguồn ảnh: Internet

Đồi chè ô long Mộc Sương có nhà máy sao chế chè riêng, nên khi đến đây, bạn sẽ được trải nghiệm hái những búp chè tươi, và tìm hiểu về quá trình sản xuất chè.
Thời điểm đẹp nhất trong ngày để khám phá đồi chè là lúc bình minh khi sương chưa kịp tan hoặc lúc hoàng hôn khi sương đang rơi xuống, để cảm nhận vẻ đẹp ảo diệu của thiên nhiên. 

Nguồn ảnh: Đức Kỳ

Thung Lũng Mận Nà Ka
Địa chỉ: Tỉnh lộ 104, thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Thời gian gần đây, trên bản đồ du lịch Mộc Châu xuất hiện cái tên bản Nà Ka, nơi có một đẹp nhất Mộc Châu. Người ta ví nơi đây như thiên đường nơi lưng chừng núi, đặc biệt vào mùa xuân.


Giữa tháng 1 đến cuối tháng 2, từ trên đỉnh đèo nhìn xuống, bạn sẽ bắt gặp một thung lũng được phủ đầy sắc trắng của hoa mận, đẹp tựa tranh vẽ. Còn nếu đến Nà Ka vào tháng 4 đến tháng 5, thì đây là mùa mận chín, bạn sẽ được tham gia hái mận và thưởng thức những quả mận đỏ chín mọng ngon tuyệt hái từ trên cành.

Mộc Châu không chỉ làm chúng ta xao xuyến bởi các loài hoa mà còn là nụ cười |Nguồn ảnh: Long Moon

>>> Xem thêm: Ý nghĩa ẩn giấu đằng sau mỗi bó hoa cưới
Đỉnh Pha Luông
Địa chỉ: Xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Đến Mộc Châu, đừng quên chinh phục sông núi ở Pha Luông, vốn là ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào. Ngọn núi này không quá cao nhưng cũng đủ thử thách sức bền của những người đam mê chinh phục, vì phải trải qua quãng đường khoảng 6km bạn mới lên đến đỉnh và khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của nơi này. 

Vẻ đẹp kiêu hùng của Pha Luông|Nguồn ảnh: Blog Phượt

Từ trạm biên giới Pha Luông, bạn sẽ mất khoảng 3 - 4 giờ đồng hồ đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh núi và nửa giờ đi bộ dọc theo sườn núi giữa những ruộng bậc thang. 
Hãy nhớ chuẩn bị đầy đủ chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hợp lệ, chỉ khi có đủ giấy tờ đó thì bạn mới được leo núi. Có một quy định là bạn phải để lại giấy tờ tuỳ thân của mình tại sở cảnh sát biên giới trước khi leo núi và phải có mặt tại sở trước giờ trưa. Khi vào rừng và đi theo cung đường trekking, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác leo lên thang tre để vượt qua các tảng đá khổng lồ phủ đầy rêu trên đường đi.
Từ đỉnh Pha Luông, bạn có thể quan sát rất rõ những cánh rừng, những bản làng, thảm thực vật của cả hai nước Việt – Lào.

Mọi sự mệt nhọc trước đó đều tan biến hết khi đứng ở đỉnh Pha Luông nhìn xuống, mọi thứ như được thu nhỏ trong tầm mắt|Nguồn ảnh: Tuấn Nguyễn Travel

Bản Thung Cuông (Thông Cuông)
Địa chỉ: Thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Bản Thung Cuông là một bản nhỏ lâu đời của người Mông, nằm giữa 2 xã Đông Sang của huyện Mộc Châu và xã Xuân Nha của huyện Vân Hồ, một huyện mới được tách ra từ huyện Mộc Châu. 

Vẻ đẹp của bản Thung Cuông gói trọn ở con đường dẫn vào bản với cánh đồng cải trắng mênh mông phủ đầy hai bên đường, xa xa là bản làng thấp thoáng trong sương.| Nguồn ảnh Internet 

Bản Thung Cuông hay nhiều du khách thường biết đến với cái tên gọi là bản Thông Cuông, cách thị trấn Mộc Châu khoảng 3 km. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của động đồng dân tộc người Mông.
Sau những ngày Tết Nguyên Đán du khách có thời gian mà muốn thực hiện những chuyến đi du xuân thì cũng có thể đến với bản Thung Cuông ngắm nhìn những bông hoa đào hoa mận đang thi nhau đua nở trên khắp những sườn đồi, nhìn từ xa nhưng bông hoa mận màu trắng xóa giống như những bông tuyết đang điểm tô thêm sắc màu cho những cành cây khẳng khiu.

Nguồn ảnh: Long Moon

Khoảng tầm tháng 3 bạn đến với Mộc Châu lúc này hình ảnh của những bông hoa ban trắng, điểm tô thêm màu tím bên trong những cánh hoa. Hoa ban mang một vẻ đẹp đặc  trưng mà dường như chỉ có loài hoa nào có thể sánh được, không những thế hoa ban còn là một biểu tượng chứng minh cho lòng thủy chung son sắc của người con gái Tây Bắc.
Đến tháng 11 bản Thung Cuông bắt đầu mang một vẻ đẹp khác biệt với nhưng bông hoa cải trắng tinh khôi đang được bao phủ trên khắp bản làng nhỏ lấp ló là những căn nhà của đồng bào sinh sống ở đây cùng với đó là những đứa trẻ đang tung tăng nô đùa khắp khu vực vườn cải.

Bản Thung Cuông mang vẻ đẹp bình dị của những con người ở đây với sự mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên. | Nguồn ảnh: Internet

>>> Xem thêm VIỆT NAM TRÊN VAI| Những địa điểm "PHƯỢT" cực phẩm vùng cao ở Việt Nam - Phần 1

Bình luận

Viết Đánh Giá

Chưa có bình luận nào