Đăng bởi Marry Doe - 01/02/2019 | Lượt xem: 3577
Ngày Tết Cổ truyền dân tộc không đơn thuần là kỳ nghỉ lễ mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tâm linh. Marry sẽ bật mí nguồn gốc, ý nghĩa cùng nhiều điều thú vị khác về ngày Tết dân tộc.
Bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước, thuở sơ khai Tết là dịp tạ ơn các vị thần, cảm ơn vật nuôi, cây cối nuôi sống con người. Đến nay, Tết Cổ truyền mang nhiều ý nghĩa hơn nhưng vẫn giữ trọn nét thiêng liêng từ ngàn xưa truyền lại.
Tết Nguyên đán là gì?
Tết Nguyên đán còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản và thân thương hơn hết là Tết. Đây là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của nước ta, chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa Á Đông.
Hai chữ "Nguyên đán" (元旦) có gốc chữ Hán; trong đó "nguyên" nghĩa là khởi đầu hay sơ khai và "đán" là buổi sáng sớm. Thế nên có thể hiểu nôm na Tết Nguyên đán là buổi sớm mai bắt đầu cho năm mới.
Ý nghĩa của Tết Cổ truyền
Tết Nguyên đán từ xưa đến nay đều giữ ý nghĩa vô cùng thiêng liêng trong văn hóa người Việt. Người ta tin rằng Tết là ngày đoàn tụ, ngày làm mới, ngày tạ ơn và thắp lên hy vọng.
Tết là ngày đoàn tụ gia đình
Tết, trước hơn hết, là dịp sum họp vui vầy. Hàng năm, có hàng triệu người con xa xứ ngóng trông Tết để về bên gia đình, khấn vái tổ tiên, thăm họ hàng chòm xóm.
“Về quê ăn Tết”, không phải chơi cũng chẳng phải mừng, mà là “ăn”. Cái từ “ăn” thân thuộc như lột tả Tết đơn giản là một bữa cơm sum vầy nhưng ngập tràn yêu thương.
Không chỉ đơn thuần là đi hay về như những chuyến đi khác, về ăn Tết tựa như cuộc hành hương về với cội nguồn, về lại nơi chôn nhau cắt rốn.
Người sống như thế, người đã khuất cũng về đoàn tụ với gia đình. Nhà nào ngày trước Tết cũng phải có một bữa cúng gia tiên mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.
Tết là phải trang hoàng nhà cửa rực rỡ hẳn lên
Tết là khởi đầu mới
Tết Nguyên đán là ngày đầu năm mới, khởi đầu mới, là dịp để mọi người ôn lại việc năm cũ và lên kế hoạch năm sau.
Cái mới mẻ thể hiện qua rất nhiều
phong tục ngày Tết. Nhà nhà dọn dẹp, lau chùi, sơn sửa sạch bóng. Đồ dùng cũ, hư hỏng thì phải bỏ đi, thay đồ mới, bàn ghế giường tủ phải sạch bóng.
Trên hết là bàn thờ phải được quét tước sạch sẽ, chọn hoa cắm bàn thờ ngày Tết sao cho hợp phong thủy, rước được tài lộc, may mắn vào nhà.
Vui nhất chắc là đám trẻ con vô lo vô nghĩ, Tết được sắm bộ quần áo mới để khoe khắp xóm làng lại được nhận lì xì. Tục lì xì cho con trẻ bắt nguồn từ Trung Hoa xưa, với niềm tin có thể xua đuổi tà ma. Nay người lớn mừng tuổi phần nhiều là chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi.
Tết là dịp tạ ơn và hy vọng
Người Việt còn chọn ngày Tết là dịp để thể hiện lòng cảm ơn. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà tổ tiên. Năm cũ đã qua, Tết đến mang theo niềm tin lạc quan và hy vọng một năm mới tốt lành.
Tết Cổ truyền Việt Nam xưa và nay
Tết xưa
Tết xưa tuy chẳng dài hơn nay nhưng quá trình chuẩn bị mất cả năm trời. Mới ra Giêng đã phải lo dặm lá giong để Tết gói bánh, trong năm thì cân đo đong đếm sao cho dư được chút ít tiền sắm quần áo mới cho lũ trẻ rồi ngày mùa xong lại sắm gạo giết heo lo gói bánh Tết.
Đến khi “vào mùa” Tết thì cả nhà, cả họ đều phải tất bật ngược xuôi chuẩn bị hàng tháng trời. Để cái Tết thật tươm tất, đủ đầy như truyền thống là biết bao lo toan vất vả chẳng nói nên lời.
Mới đầu tháng Chạp các bà các mẹ đã lo phơi cải, làm dưa hành, dưa kiệu rồi. Sau tục cúng ông Táo về trời thì Tết đến gần lắm rồi, người người tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa mua sắm bánh trái, chuẩn bị quà Tết, phong bao lì xì…
Chợ hoa rực rỡ, ông đồ già bày mực tàu giấy đỏ, nồi bánh chưng bánh tét suốt đêm đỏ lửa, pháo giao thừa rộn ràng là hình ảnh quen thuộc hiện ra mỗi khi nhắc đến Tết.
Một ông đồ già trầm ngâm nắn nót từng nét chữ trên phố xưa
Tết nay đã khác?
Ngày nay, cuộc sống hiện đại bận rộn nên việc chuẩn bị Tết ít nhiều cũng phải thay đổi cho phù hợp. Pháo hoa thay cho pháo giấy, bánh trái, mứt quả, mâm cỗ ngày Tết tất cả đều có thể đặt chế biến sẵn, nhanh, gọn.
Tìm được gia đình vẫn giữ tục quây quần gói bánh chưng thời nay quả thật không dễ
Chính cái “gọn” này làm nhiều người, nhất là người lớn tuổi, chạnh lòng mỗi khi nghĩ đến Tết xưa. Họ cảm thấy Tết nay khác, cái cảnh tất bật lo Tết vừa mệt vừa vui dường như chẳng còn.
Thế nhưng Tết Cổ truyền dù mới hay cũ, xưa hay nay vẫn mang nét đẹp riêng chẳng thể lẫn với bất kỳ ngày lễ nào. “Về quê ăn Tết” vẫn là câu nói hàm chứa biết bao tình cảm thiêng liêng với mỗi người con đất Việt.