Thanh toán

Tìm hiểu phong tục cưới hỏi của đồng bào các dân tộc Tây Bắc

Đăng bởi Marry Doe - 19/10/2016   |   Lượt xem: 2133

Lễ cưới là một nghĩ lễ trọng đại mà bất cứ dân tộc nào cũng tiến hành để mừng hạnh phúc cho con cháu mình. Mỗi vùng trên đất nước Việt Nam lại có một phong tục cưới hỏi khác nhau, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu phong tục cưới hỏi của đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Tục cưới 2 lần của người Hà Nhì

Trong quan hệ hôn nhân, người Hà Nhì ít chịu sự ràng buộc của những lễ giáo phong kiến. Nam nữ thanh niên được tự do yêu đương, tìm hiểu nhau trước khi cưới. Người Hà Nhì có hai hình thức cưới: do bố mẹ đi hỏi và không qua lễ hỏi. Mỗi cặp vợ chồng đều trải qua hai lần cưới.

[IMG]

Cưới lần thứ nhất: Người con trai rủ vài người bạn đến nhà người yêu hay một nơi nào đấy đã hẹn sẵn. Khi gặp nhau, người con gái trả lại bạn trai một đồng bạc trắng mà người làm mối đã đưa sang hôm dạm. Họ đưa nhau về nhà trai chào bố mẹ và cúng tổ tiên. Hôm đó nhà trai cũng như nhà gái đều làm bữa cơm thân mật mời bà con hàng xóm mừng hạnh phúc cho hai con. Từ đó, cô dâu ở hẳn bên nhà chồng. Sáng hôm sau, nhà trai sang nhà gái với lễ vật gồm trai rượu, cơm nếp và một quả trứng để hỏi về đồ thách cưới trong lễ cưới lần hai.

Cưới lần thứ hai: Trước kia nghi lễ này khá tốn kém, nhà gái thường ăn uống tiếp khách trong một ngày, nhà trai hai ngày. Số lượng tiền gạo chi tiêu cho ngày cưới khá lớn. Vì tốn kém như thế nên người Hà Nhì chỉ tổ chức đám cưới khi gia đình làm ăn khám khá. Nhiều người 50, 60 năm sau khi đã có con cháu mới đủ khả năng tổ chức lễ cưới lần hai. Có người cho đến lúc chết vẫn chưa cưới xong. Với những trường hợp này lúc chết trước khi làm ma, người ta phải làm lễ cưới tượng trưng với lễ vật là một con gà và ba gói xôi.

Người Dao đỏ: Kết hôn sau 2 lần ăn hỏi

Sau khi để ý từ phiên chợ hay lễ hội của bản làng, nếu thích cô gái nào thì chàng trai về nói với bố mẹ tới nhà gái hỏi tuổi người mình yêu.

Nếu hợp tuổi nhau thì gia đình chàng trai trao tặng nhà cô gái đồng bạc trắng. Nhà gái dù muốn gả con hay không thì lần xin hỏi đầu họ cũng đều từ chối nhận đồng bạc trắng ấy.

Một thời gian sau, nhà trai lại tới xin ăn hỏi lần hai, nếu ba ngày sau mà không thấy nhà gái trả lại đồng bạc trắng thì nhà trai biết chắc họ đã đồng ý gả con cho nhà mình. Gia đình chàng trai chọn ngày lành tháng tốt mang lễ vật tới nhà cô gái.

Sau lễ ăn hỏi chính thức, cô dâu tương lai được gia đình tạo điều kiện thời gian nhàn rỗi trong một năm để dệt may, thêu thùa hai bộ quần áo cưới từ số vải và chỉ thêu do nhà trai đưa tới hôm lễ ăn hỏi chính thức.

Người Dao đỏ quan niệm, khi người đi lấy chồng không để mặt trời nhìn thấy bởi sợ mất vía cô dâu, sẽ không gặp may trong cuộc đời sau này. Khi đoàn đưa dâu đến gần nhà trai sẽ phải nghỉ chân trên đưòng, chờ người dẫn đường của nhà trai về báo trước. Nhà trai sẽ cử một đoàn kèn, trống và ông chủ lễ ra cổng đón. Trong lúc hai bên gặp nhau thường diễn ra cuộc hát đối đáp và mời nhau uống rượu.Người Dao đỏ còn có quan niệm: Đoàn đưa dâu của nhà gái dù gần hay xa đều phải nghỉ lại nhà trai một đêm trong gian buồng tạm trú. Nơi ngủ được làm tạm ở góc đầu đốc nhà chỉ kê vừa một chiếc giường. Lễ vật gồm: 1 con lợn nhỏ mổ sạch sẽ, 1 ít tiền âm, 1 bát hương.

[IMG]

Cưới vợ sau 3 năm ở rể của người Thái: Dân tộc Thái xưa kia có tục lệ ở rể. Chàng trai Thái khi đến tuổi lấy vợ sẽ tự đi tìm người con gái mà mình ưng ý, sau đó được bố mẹ nhờ một ông mối (Phòlam) đến nhà cô gái để làm mối. Nếu gia đình cô gái ưng ý, chàng trai sẽ bắt đầu cuộc đời ở rể.

Chọn ngày lành tháng tốt, bố mẹ chàng trai chuẩn bị sính lễ để chàng trai đến nhà cô gái ở rể. Lễ vật gồm: một chiếc áo, một con gà mổ sẵn, một gói cơm, một chai rượu và một cái “Tôống bai”- dụng cụ “đựng vía” được làm bằng một sợi dây mây, một đầu được cuộn xoắn lại. “Tôống bai”, theo quan niệm của người Thái là để cho vía chú rể trú ngụ ở đó. Ông mối sẽ là người trực tiếp đưa chàng trai đến nhà cô gái. Sau khi kiểm xong lễ vật, nhà gái đưa lễ vật lên bàn thờ để báo cho tổ tiên biết nhà đã có chàng rể. Trong thời gian ở rể, chàng trai được đối xử như một thành viên của gia đình. Công làm việc hàng năm của chàng rể được quy ra bạc trắng hoặc hiện vật cưới sau này. Tùy từng gia đình mà thời gian ở rể kéo dài vài tháng, 2-3 năm, thậm chí ở rể luôn nhà gái. Nếu chàng trai ở rể suốt đời, nhà gái phải chủ động hôn nhân và phí tổn đám cưới.

Trong thời gian ở rể chàng trai phải trải qua thử thách và do vậy anh ta phải lao động chăm chỉ. Được cùng ăn với cả gia đình nhưng chàng trai phải ngủ ở vị trí dành cho khách (khơi). Nhà sàn của người Thái ngoài các buồng thông thường, ở hai phía đầu hồi còn có hai phần được sử dụng theo từng mục đích khác nhau. Một đầu là “khan” được dùng làm bếp núc, là nơi sinh hoạt của phụ nữ. Một đầu là “khơi” là phần đầu hồi nhà ở phía trước, là nơi dùng để gia đình tiếp khách và nếu gia đình đang có rể trong thời gian thử thách thì rể sẽ ngủ ở đây.

Sau thời gian ở rể, được nhà gái chấp nhận, để thành vợ thành chồng thì hai gia đình thông gia phải làm lễ tăng cẩu (búi tóc), chính thức công nhận đôi uyên ương là vợ chồng.

(st)

Bình luận

Viết Đánh Giá
B
Bài viết này hữu ích quá, lần đầu biết về các tục lệ của các dân tộc vùng Tây Bắc
L
Vâng, người Kinh mình không giống họ thật
L
Đọc mà thấy mỗi vùng miền điều có cái hay riêng
L
Mình chưa từng lên này và cũng không rành, thích bài này quá
L
những nghi lễ khá hút vị
C
không giống với người Kinh mình nhỉ, khá thú vị, mang đậm bản sắc vùng miền